Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực?
Nội dung chính
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực được quy định cụ thể tại Điều 31 Luật Điện lực 2024 như sau:
(1) Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Có đội ngũ quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh và đội ngũ trực tiếp tham gia công tác vận hành đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ.
(2) Đối với lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại mục (1) và các điều kiện sau đây:
- Có hạng mục công trình, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện và các quyết định điều chỉnh (nếu có); được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng;
- Có dự án, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được xây dựng, lắp đặt tuân thủ quy định của pháp luật về biển, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Có tài liệu quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực phát điện nhà máy thủy điện.
(3) Đối với lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện, tổ chức được cấp giấy phép phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại mục (1) và có phương án hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện phù hợp.
Đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền và nghĩa vụ gì? (Hình từ Internet)
Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực
Căn cứ Điều 58 Luật Điện lực 2024 đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền và nghịa vụ sau đây:
(1) Quyền của Đơn vị điện lực được cấp giấy phép
- Hoạt động điện lực theo nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;
- Đề nghị cấp lại, gia hạn, sửa đổi hoặc bổ sung lĩnh vực hoạt động điện lực khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Được cung cấp thông tin cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Nghĩa vụ của đơn vị điện lực được cấp giấy phép
- Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;
- Bảo đảm điều kiện hoạt động điện lực được cấp giấy phép trong thời gian quy định tại giấy phép hoạt động điện lực;
- Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực chậm nhất 60 ngày trước ngày ngừng hoạt động điện lực;
- Không được cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực;
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực khi thay đổi tên, địa chỉ đăng ký kinh doanh của đơn vị được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Báo cáo cơ quan cấp giấy phép về tình hình hoạt động trong lĩnh vực được cấp giấy phép trước ngày 01 tháng 3 hằng năm;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Việc phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện cần phải tiết kiệm quy định như thế nào?
Quy định việc tiết kiệm trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện tại Điều 55 Luật Điện lực 2024 như sau:
(1) Tiết kiệm điện trong phát điện được quy định như sau:
- Đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn, áp dụng công nghệ phát điện tiên tiến, thân thiện với môi trường, có hiệu suất cao, quản lý và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường;
-Hệ thống điện tự dùng trong nhà máy phát điện phải được thiết kế, lắp đặt hợp lý và phải bố trí sử dụng trong quá trình vận hành phù hợp với yêu cầu tiết kiệm điện tự dùng;
- Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao điện tự dùng cho các loại nhà máy điện.
(2) Tiết kiệm điện trong truyền tải điện, phân phối điện được quy định như sau:
Hệ thống đường dây truyền tải điện, phân phối điện và trạm điện phải bảo đảm các thông số và tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và xét đến hiệu quả kinh tế của các giải pháp giảm tổn thất điện năng.
(3) Tiết kiệm điện trong sử dụng điện được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm sau: cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và trang thiết bị sử dụng điện có suất tiêu hao điện năng thấp để tiết kiệm điện; bảo đảm hệ số công suất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hạn chế tối đa việc sử dụng non tải thiết bị điện;
- Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm các chỉ tiêu tiêu hao điện năng tối thiểu nhằm giảm chi phí điện năng, góp phần thực hiện tiết kiệm điện;
- Tổ chức sử dụng điện có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm điện trong phạm vi tổ chức mình.
Lưu ý: Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025