10:21 - 18/12/2024

Quyền sử dụng đất thuộc về ai khi cha mẹ thực hiện việc tặng cho chưa lập thành văn bản? Con xây nhà trên đất tặng cho thì cha mẹ có đòi lại đất được không?

Cho tôi hỏi quyền sử dụng đất thuộc về ai khi cha mẹ thực hiện việc tặng cho chưa lập thành văn bản? Con xây nhà trên đất tặng cho thì tôi có đòi lại đất được không? Vợ chồng con ly hôn thì căn nhà được chia thế nào?

Nội dung chính

    Quyền sử dụng đất thuộc về ai khi cha mẹ thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất chưa lập thành văn bản?

    Theo điểm a khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

    Đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
    ...
    4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
    a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
    ...

    Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

    Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
    ...
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
    b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
    c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
    d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Căn cứ Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất như sau:

    Hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất
    1. Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
    2. Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, việc cha mẹ tặng cho quyền sử dụng đất cho con phải được lập thành văn bản và được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực văn bản đó. Sau khi công chứng, chứng thực thì phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động – đăng bộ, sang tên tại cơ quan quản lý đất đai.

    - Trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ thủ tục nêu trên thì việc tặng cho quyền sử dụng đất sẽ có hiệu lực pháp luật, quyền sử dụng đất bây giờ thuộc về người con

    - Trong trường hợp chưa thực hiện các thủ tục nêu trên mà chỉ cho người con xây nhà trên đất của mình thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc về cha mẹ.

    Quyền sử dụng đất thuộc về ai khi cha mẹ thực hiện việc tặng cho chưa lập thành văn bản? Con xây nhà trên đất tặng cho thì cha mẹ có đòi lại đất được không?

    Quyền sử dụng đất thuộc về ai khi cha mẹ thực hiện việc tặng cho chưa lập thành văn bản? Con xây nhà trên đất tặng cho thì cha mẹ có đòi lại đất được không? (Hình từ Internet)

    Con xây nhà trên đất tặng cho thì cha mẹ có đòi lại đất được không?

    Như đã phân tích ở trên, trường hợp chưa thực hiện các thủ tục nêu trên mà chỉ cho người con xây nhà trên đất của mình thì quyền sử dụng đất vẫn thuộc về cha mẹ. Cha mẹ có thể thực hiện những cách sau đây để đòi lại đất:

    - Thứ nhất: Thỏa thuận

    Cha mẹ có thể thỏa thuận với con về giá trị ngôi nhà và trả lại tiền bằng với giá trị căn nhà đó.

    - Thứ hai: Khởi kiện đòi lại đất trong trường hợp không thỏa thuận được

    Theo Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản như sau:

    Quyền đòi lại tài sản
    1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
    2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

    Đồng thời, tại Điều 168 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình như sau:

    Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình
    Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật này.

    Như vậy, trong trường hợp không thỏa thuận được thì bạn có thể khởi kiện đòi lại tài sản

    Vợ chồng con ly hôn thì căn nhà được chia như thế nào?

    Theo khoản 3 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn quy định như sau:

    Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
    ...
    3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

    Như vậy, theo quy định, tài sản chung là căn nhà của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận căn nhà có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

    6