Quy trình ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Quy trình ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 17 Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT ban hành kèm Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT thì quy trình ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia được quy định như sau:
a) Đề thi (tự luận) đề xuất và câu trắc nghiệm thuộc Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa là căn cứ quan trọng cho Hội đồng ra đề thi;
b) Đề thi (tự luận) đề xuất do một số chuyên gia khoa học, giảng viên, giáo viên có uy tín và năng lực khoa học ở một số cơ sở giáo dục đại học và trường phổ thông đề xuất theo yêu cầu của Bộ GDĐT. Đề thi đề xuất và danh sách người ra đề thi đề xuất phải được giữ bí mật tuyệt đối;
c) Các đề thi đề xuất do chính người ra đề thi đề xuất niêm phong và gửi về địa chỉ được ghi trong công văn đề nghị;
d) Soạn thảo đề thi, thẩm định, tinh chỉnh: Căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi. Việc soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm thi phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 của Quy chế này;
đ) Phản biện đề thi:
- Sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi được tổ chức phản biện. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định tại Điều 15 của Quy chế này; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết;
- Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ giúp Chủ tịch Hội đồng ra đề thi trong việc quyết định duyệt đề thi;
e) Đối với đề thi trắc nghiệm:
- Cán bộ Hội đồng ra đề thi rút các đề thi trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi;
- Trưởng môn đề thi của từng môn thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thẩm định từng đề thi trắc nghiệm theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định tại Điều 15 của Quy chế này;
- Tổ ra đề làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm trong từng đề thi; sau khi tinh chỉnh lần cuối, Trưởng môn đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi;
- Cán bộ Hội đồng ra đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau;
- Tổ ra đề rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án và ký tên vào từng phiên bản của đề thi;
g) Người ra đề thi đề xuất và những người khác tiếp xúc với đề thi đề xuất và đề thi trắc nghiệm lấy từ Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phải giữ bí mật tuyệt đối các đề thi đề xuất và câu hỏi thi trắc nghiệm, không được phép công bố dưới bất kỳ hình thức nào, trong bất cứ thời gian nào.
Quy trình ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia được quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT nhằm ban hành quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.