Quy định về việc thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 như thế nào? Trách nhiệm thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 thuộc về ai?
Nội dung chính
Quy định về việc thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 như thế nào?
Tại Điều 5 Thông tư 58/2024/TT-NHNN quy định về việc thu giữ tiền giả như sau:
- Trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an trên tiền thật (hoặc tiền mẫu) cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố, đối chiếu với thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả của Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an và xử lý như sau:
+ Trường hợp khẳng định là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản, phải thực hiện thu giữ, lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 87/2023/NĐ-CP ngày 08/12/2023 của Chính phủ quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả. Việc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 58/2024/TT-NHNN
+ Trường hợp xác định là tiền giả loại mới, phải thực hiện thu giữ và lập biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 87/2023/NĐ-CP nhưng không đóng dấu, không bấm lỗ tiền giả.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả loại mới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch phải thông báo bằng văn bản cho Cục Phát hành và Kho quỹ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn nơi tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn).
Nội dung thông báo bao gồm các thông tin về loại tiền, số lượng, seri và mô tả đặc điểm của tiền giả.
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện một trong các trường hợp sau:
+ Có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.
+ Tiền giả loại mới.
+ Có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch.
+ Khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.
- Trong quá trình kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn tiền, sau khi giao nhận tiền mặt theo bó, túi nguyên niêm phong trong ngành ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi phát hiện tiền giả, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt quy định tại khoản 1 và điểm b, điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư 58/2024/TT-NHNN.
Quy định về việc thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 như thế nào? Trách nhiệm thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 thuộc về ai? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 thuộc về ai?
Tại Điều 4 Thông tư 58/2024/TT-NHNN quy định về trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền giả từ ngày 14/02/2025 như sau:
- Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Sở Giao dịch), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; khi phát hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này; không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.
- Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được bồi dưỡng kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả theo chương trình của Ngân hàng Nhà nước hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
- Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.
Người có hành vi làm tiền giả bị xử lý hình sự thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, theo quy định pháp luật, người có hành vi làm tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" với mức hình phạt tù từ 3 năm tù giam đến mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Lưu ý: Người nào chuẩn bị phạm tội "Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.