09:15 - 25/09/2024

Quy định mới về quản lý, vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia?

Quy định mới về quản lý, vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia từ ngày 15/8/2024 như thế nào? Chữ ký điện tử tham gia hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia được chia làm mấy loại?

Nội dung chính


    Quy định mới về quản lý, vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia từ ngày 15/8/2024?

    Ngày 25/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định quản lý, vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia.

    Theo đó, hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia là hệ thống tổng thể bao gồm: Trung tâm Xử lý Quốc gia; Trung tâm Xử lý Quốc gia dự phòng; phần mềm cài đặt tại các thành viên và đơn vị thành viên để xử lý các lệnh thanh toán.

    - Các cấu phần xử lý nghiệp vụ bao gồm: Cấu phần Thanh toán giá trị cao; Cấu phần Thanh toán ngoại tệ; Cấu phần Thanh toán giá trị thấp; Cấu phần Xử lý tài khoản thanh toán và kiểm tra, đối chiếu số liệu.

    - Cấu phần Thanh toán giá trị cao thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các lệnh thanh toán bằng đồng Việt Nam sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị cao.

    - Cấu phần Thanh toán ngoại tệ thực hiện quyết toán tổng tức thời cho các lệnh thanh toán bằng ngoại tệ sử dụng dịch vụ thanh toán ngoại tệ.

    - Cấu phần Thanh toán giá trị thấp thực hiện thanh toán các lệnh thanh toán giá trị thấp sử dụng dịch vụ thanh toán giá trị thấp.

    - Cấu phần Xử lý tài khoản thanh toán và kiểm tra, đối chiếu số liệu thực hiện kiểm tra, hạch toán lệnh thanh toán giá trị cao, lệnh thanh toán bằng ngoại tệ, xử lý kết quả bù trừ giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác.

    Quy định mới về quản lý, vận hành Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia từ ngày 15/8/2024? (Hình từ Internet)

    Chữ ký điện tử tham gia hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia được chia làm mấy loại?

    Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định về cấp phát, quản lý và sử dụng chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử tham gia hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia như sau:

    Cấp phát, quản lý và sử dụng chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử tham gia Hệ thống TTLNH Quốc gia

    1. Chữ ký điện tử được chia làm 3 loại:

    a) Chữ ký điện tử của người lập lệnh;

    b) Chữ ký điện tử của người kiểm soát lệnh;

    c) Chữ ký điện tử của người duyệt lệnh.

    2. Việc tổ chức phân quyền người lập lệnh, người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh tại các thành viên, đơn vị thành viên do người có thẩm quyền của đơn vị quy định, đảm bảo nguyên tắc người lập lệnh độc lập với người kiểm soát lệnh và người duyệt lệnh.

    3. Ngân hàng Nhà nước cấp phát chứng thư chữ ký điện tử cho người duyệt lệnh và chứng thư chữ ký điện tử để xác thực kết nối (chứng thư kết nối) giữa phần mềm cài đặt tại các đơn vị thành viên và các đơn vị thành viên với Trung tâm Xử lý Quốc gia.

    4. Việc cấp phát, quản lý, sử dụng chứng thư chữ ký điện tử cho người duyệt lệnh và chứng thư chữ ký điện tử để xác thực kết nối tham gia Hệ thống TTLNH Quốc gia thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    Như vậy, chữ ký điện tử tham gia hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia được chia làm 03 loại:

    - Chữ ký điện tử của người lập lệnh;

    - Chữ ký điện tử của người kiểm soát lệnh;

    - Chữ ký điện tử của người duyệt lệnh.

    Hướng dẫn quy trình tạo lập lệnh thanh toán khởi tạo từ chứng từ giấy trong hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia 2024?

    Tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 08/2024/TT-NHNN quy định quy trình tạo lập lệnh thanh toán khởi tạo từ chứng từ giấy trong TTLNH Quốc gia 2024 như sau:

    Người lập lệnh thực hiện khởi tạo lệnh thanh toán qua các bước sau:

    Bước 1: Kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp chứng từ giao dịch thanh toán của khách hàng;

    Bước 2: Xác định, phân loại lệnh thanh toán để xử lý;

    Bước 3: Đối chiếu, kiểm tra số dư tài khoản của khách hàng;

    Bước 4: Nhập các thông tin cơ bản sau:

    - Đơn vị khởi tạo lệnh (tên, mã ngân hàng), số tiền, tên, địa chỉ, tài khoản (nếu có), số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu của người phát lệnh hoặc mã số doanh nghiệp (đối với người phát lệnh là doanh nghiệp)

    - Đơn vị phục vụ người phát lệnh, đơn vị nhận lệnh (tên, mã ngân hàng), tên, địa chỉ, tài khoản (nếu có), số chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp và nơi cấp chứng minh nhân dân hoặc số định danh cá nhân hoặc hộ chiếu của người nhận lệnh hoặc mã số doanh nghiệp (đối với người nhận lệnh là doanh nghiệp)

    - Đơn vị phục vụ người nhận lệnh, nội dung chuyển tiền và các nội dung khác liên quan đến giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, giao dịch nộp ngân sách nhà nước, giao dịch mua bán trái phiếu Chính phủ và các loại giao dịch khác (nếu có).

    Bước 5: Kiểm soát lại các dữ liệu đã nhập và ký chữ ký điện tử vào lệnh thanh toán;

    Bước 6: Ký trên chứng từ, chuyển chứng từ và dữ liệu đã nhập cho người kiểm soát lệnh;

    Bước 7: Người kiểm soát lệnh

    Bước 8: Căn cứ nội dung trên các chứng từ liên quan, kiểm soát lại các yếu tố: đơn vị nhận lệnh, đơn vị phục vụ người phát lệnh, đơn vị phục vụ người nhận lệnh, số tiền để kiểm tra dữ liệu do người lập lệnh đã nhập, nội dung thanh toán;

    Bước 9: Trường hợp phát hiện có sai sót: chuyển trả người lập lệnh;

    Bước 10: Trường hợp dữ liệu đúng: ký chữ ký điện tử vào lệnh thanh toán, ký trên chứng từ và chuyển cho người duyệt lệnh;

    Bước 11: Người duyệt lệnh

    Bước 12: Kiểm tra sự khớp đúng giữa số liệu trên chứng từ gốc và số liệu trên hệ thống;

    - Trường hợp phát hiện sai sót: chuyển trả người lập lệnh hoặc người kiểm soát lệnh;

    - Trường hợp dữ liệu đúng: ký trên chứng từ, ký chữ ký điện tử vào lệnh thanh toán để chuyển đi.

    1
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ