14:34 - 09/11/2024

Quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày giải phóng đã xuất ngũ được hưởng những trợ cấp nào?

Quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày Giải phóng đã xuất ngũ được hưởng những trợ cấp nào? Quân nhân làm nhiệm vụ 18 năm 7 tháng thì số tháng lẻ có được làm tròn 1 năm khi tính hưởng trợ cấp một lần không? Hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ trợ cấp với người làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia như thế nào? Bố tôi là quân nhân chuyên nghiệp, năm 1980, bố tôi tham gia chiến trường ở Campuchia đến năm 1988 thì bố tôi trở về Việt Nam và xuất ngũ. Tổng thời gian bố tôi làm việc là 18 năm 7 tháng. Vậy nên tôi có thắc mắc là bố tôi tham gia nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia được hưởng những trợ cấp nào? Số tháng lẻ của bố tôi có được làm tròn 1 năm khi tính hưởng trợ cấp một lần không?

Nội dung chính

    1. Quân nhân làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày Giải phóng đã xuất ngũ được hưởng những trợ cấp nào?

    Tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 44/2022/TT-BTC quy định như sau: 

    2. Chi chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, gồm:

    a) Trợ cấp hằng tháng đối với:

    - Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg;

    - Quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg;

    b) Trợ cấp hằng tháng và trợ cấp một lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg;

    c) Trợ cấp một lần đối với:

    - Quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 theo Nghị định số 23/1999/NĐ-CP;

    - Người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg;

    - Thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg; thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến theo Nghị định số 112/2017/NĐ-CP;

    - Người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2015/QĐ-TTg;

    d) Trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.

    Bên cạnh đó, Điểm a Khoản 1 Điều 2 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg có quy định như sau: 

    a) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (bao gồm cả số đi lao động hợp tác quốc tế về phục viên, xuất ngũ, thôi việc) trước ngày 01 tháng 4 năm 2000 hoặc chuyển ngành sau đó thôi việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 hoặc thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng;

    Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg có quy định như sau: 

    3. Thời gian xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được xác định như sau:

    a) Ở biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 07 tháng 01 năm 1979;

    b) Ở biên giới phía Bắc từ tháng 02 năm 1979 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;

    c) Truy quét Ful rô từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 12 năm 1992;

    d) Làm nhiệm vụ giúp bạn Lào từ tháng 5 năm 1975 đến ngày 31 tháng 12 năm 1988;

    đ) Làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a từ tháng 01 năm 1979 đến ngày 31 tháng 8 năm 1989.

    Thời gian làm nhiệm vụ quốc tế đối với một số đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

    Theo đó, bố bạn là quân nhân tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau ngày Giải phóng và đã xuất ngũ thì bố bạn sẽ được hưởng 2 loại trợ cấp là trợ cấp hằng tháng và trợ cấp một lần.

    2. Quân nhân làm nhiệm vụ 18 năm 7 tháng thì số tháng lẻ có được làm tròn 1 năm khi tính hưởng trợ cấp một lần không? 

    Theo Điều 4 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg có quy định cách tính thời gian hưởng chế độ, cụ thể như sau:

    1. Thời gian tính hưởng chế độ đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Quyết định này là thời gian công tác thực tế trong quân đội, công an, cơ yếu. Đối với các đối tượng quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 2 Quyết định này là thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Trường hợp, đối tượng có thời gian trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thuộc các nhóm đối tượng khác nhau quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn.

    2. Khi tính thời gian hưởng đối với chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính bằng nửa (1/2) năm; đối với chế độ trợ cấp hàng tháng thì tính đủ năm (12 tháng).

    Bố bạn là quân nhân chuyên nghiệp có thời gian làm việc là 18 năm 7 tháng và khi tính thời gian hưởng chế độ trợ cấp một lần thì số tháng lẻ 7 tháng này sẽ được tính tròn thành một năm.

    3. Hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ trợ cấp với người làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia như thế nào?

    Căn cứ Điều 7 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự giải quyết chế độ trợ cấp, theo đó: 

    1. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp được quy định như sau:

    a) Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp một lần bao gồm: 01 bản khai của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với đối tượng đã từ trần); một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền), nếu có;

    b) Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng bao gồm: 01 bản khai của đối tượng; một hoặc một số giấy tờ gốc hoặc được coi như giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan (bản chính hoặc bản sao của cấp có thẩm quyền) chứng minh đúng đối tượng, đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Điều 3 Quyết định này.

    2. Trình tự giải quyết chế độ trợ cấp được thực hiện như sau:

    a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định này hoặc thân nhân đối tượng có trách nhiệm lập bản khai và nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho Ủy ban nhân dân cấp xã (qua Trưởng thôn) nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

    b) Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện qua Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 9 Quyết định này;

    c) Ban Chỉ huy quân sự, Công an huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đối chiếu, tổng hợp báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 9 Quyết định này;

    d) Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định thực hiện chế độ đối với các đối tượng theo quy định tại điểm đ, e và g khoản này;

    đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết;

    e) Bộ Tư lệnh quân khu ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần và chế độ trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền. Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng thuộc địa bàn Thủ đô Hà Nội;

    g) Cục Chính sách - Tổng cục Xây dựng lực lượng, Bộ Công an ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an.

    Như vậy, khi bạn muốn làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp cho bố thì bạn cần chuẩn bị các hồ sơ và thực hiện theo trình tự, thủ tục nêu trên của pháp luật.

    Trân trọng!

    4