Thứ 6, Ngày 08/11/2024
15:40 - 08/11/2024

Phòng vệ trong ga tàu

Phòng vệ trong ga tàu được quy định như thế nào? Tôi có thắc mắc: Phòng vệ trong ga tàu được quy định như thế nào? Có văn bản nào quy định về vấn đề này không? Tôi hy vọng sớm nhận được giải đáp.

Nội dung chính

    Phòng vệ trong ga tàu

    Phòng vệ trong ga tàu được quy định từ Điều 44 đến Điều 49 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2011/BGTVT về tín hiệu đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

    Điều 44.

    Khi tiến hành thi công hoặc có chướng ngại xẩy ra trên đường hoặc ghi trong ga mà không thể cho các phương tiện chạy trên đường sắt chạy qua đó thì phải tiến hành phòng vệ như sau:

    1. Địa điểm thi công hoặc chướng ngại xẩy ra trên một đường trong ga: các ghi gần địa điểm thi công hoặc chướng ngại nhất đều phải cùm hoặc khoá ở vị trí không cho các phương tiện chạy trên đường sắt chạy thông vào đường ấy như hình 80;

    Nếu không thể cùm hoặc khoá được các ghi này phải đặt tín hiệu ngừng di động cách địa điểm thi công hoặc chướng ngại 50 m như hình 81. Nếu từ mũi lưỡi ghi đến địa điểm thi công (hoặc chướng ngại) dưới 50 m thì đặt tín hiệu ngừng ở tim đường, ngang mũi lưỡi ghi như hình 82;

    2. Địa điểm thi công hoặc chướng ngại xẩy ra ở một ghi trong ga: cách mũi lưỡi ghi đó 50 m cắm tín hiệu di động biểu thị tín hiệu ngừng; trên các đường trực tiếp liên quan đến ghi đó, cắm tín hiệu ngừng di động ở vị trí ngang với mốc tránh va chạm như hình 83;

    3. Địa điểm thi công hoặc chướng ngại xẩy ra ở ghi vào ga: cột tín hiệu vào ga biểu thị tín hiệu ngừng; trên các đường trực tiếp liên quan đến ghi này phải cắm tín hiệu ngừng di động ở vị trí tương ứng với mốc tránh va chạm như hình 84;

    4. Địa điểm thi công hoặc chướng ngại xẩy ra trên đoạn đường giữa cột tín hiệu vào ga và ghi vào ga: cột tín hiệu vào ga biểu thị tín hiệu ngừng, cắm tín hiệu di động báo hiệu ngừng ở tim đường ngang mũi lưỡi ghi vào ga như hình 85.

    Điều 45.

    Khi cần giảm tốc độ (so với tốc độ quy định) trên đường trong ga hoặc qua ghi, phải đặt tín hiệu báo hiệu di động như sau:

    1. Khi cần giảm tốc độ trên đường chính trong ga hoặc qua ghi trên đường chính: đặt tín hiệu di động báo hiệu giảm tốc độ ở gần chân cột tín hiệu vào ga như hình 86;

    2. Khi cần giảm tốc độ trên đường đón gửi tàu hoặc đường khác trong ga: đặt tín hiệu giảm tốc độ di động về phía bên trái theo hướng tàu vào đường cần giảm tốc độ, biển giảm tốc độ đặt ở vị trí ngang với mốc tránh va chạm như hình 87;

    3. Khi cần giảm tốc độ qua ghi trên đường đón gửi tàu hoặc đường khác trong ga: đặt tín hiệu di động báo hiệu giảm tốc độ về phía bên trái theo hướng tàu vào ghi cần giảm tốc độ, biển giảm tốc độ đặt ở vị trí ngang mũi lưỡi ghi và mốc tránh va chạm như hình 88.

    Điều 46.

    Khi phong toả khu gian phải đặt tín hiệu di động báo hiệu ngừng ở giữa lòng đường chính thông ra khu gian phong toả (theo hướng từ trong ga đi ra khu gian) ngang với mũi lưỡi ghi ngoài cùng. Nếu cần dồn dịch thì có thể chuyển vị trí đặt tín hiệu di động báo hiệu ngừng đến đặt ngang với cột tín hiệu vào ga. Tín hiệu di động báo hiệu ngừng phải quay mặt đỏ vào phía trong ga và có gác ghi trông coi như hình 89.

    Điều 47.

    Khi tàu đã ngừng lại trên đường trong ga mà toa cuối tàu chưa đứng trong mốc tránh va chạm thuộc đường đó thì trưởng tàu phải báo ngừng bằng tín hiệu tay để phòng vệ đuôi tàu của mình. Trong trường hợp này, gác ghi ở khu vực có tàu đứng ngoài mốc tránh va chạm cũng phải làm tín hiệu báo ngừng và phải phòng vệ như hình 90.

    Điều 48.

    Khi trên đường trong ga có toa xe đang sửa chữa hoặc toa xe có chất nổ, chất độc, khí nén, khí hoá lỏng đứng đợi tác nghiệp phải phòng vệ bằng tín hiệu di động báo hiệu ngừng cắm trên bộ trật bánh, bộ trật bánh này đặt trên ray bên trái theo hướng đi vào toa xe (hoặc nhóm toa xe) và cách đầu toa xe đó 50 m. Việc phòng vệ này tiến hành về hai phía, trên đường cụt chỉ phòng vệ phía có ghi.

    Khi những toa xe nói trên đứng cách mốc tránh va chạm từ 20 m đến 50 m thì tín hiệu di động báo hiệu ngừng ở phía có mốc tránh va chạm được đặt ở vị trí ngang với mốc tránh va chạm như hình 91.

    Khi những toa xe nói trên đứng cách mốc tránh va chạm dưới 20 m (hoặc trên 20 m nhưng ở ga không có bộ trật bánh hoặc có mà không đặt được) thì ghi thông vào đường có toa xe đứng phải cùm hoặc khoá ở vị trí không thông vào nơi nguy hiểm như hình 92.

    Điều 49.

    Khi có đoàn tàu đứng ở ga lập tàu đợi giải thể hoặc xuất phát hoặc có toa xe đang được kiểm tra kỹ thuật, tác nghiệp xếp dỡ phải phòng vệ bằng tín hiệu ngừng (ban ngày: cờ đỏ mở; ban đêm: ánh đèn màu đỏ) đặt ở bên trái xà ngang của toa xe đầu và toa xe cuối (theo hướng đi tới toa đó) như hình 93.

    Khi cần thiết phải chui vào gầm toa để kiểm tra hoặc trong đoàn tàu có toa xe chứa hàng nguy hiểm thì phải áp dụng biện pháp phòng vệ theo quy định ở điều 48 Quy chuẩn này.

     

     

     

    Trên đây là nội dung quy định về việc phòng vệ trong ga tàu. Để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này, bạn vui lòng tham khảo chi tiết thêm tại QCVN 06:2011/BGTVT.

    Trân trọng!