09:14 - 18/12/2024

Những trường hợp nào không được thương lượng, hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 01/7/2024?

Những trường hợp nào không được thương lượng, hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 01/7/2024?

Nội dung chính

    Những trường hợp nào không được thương lượng, hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 01/7/2024?

    Tại Điều 54 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định trường hợp không được thương lượng hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh như sau:

    Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh
    1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây:
    a) Thương lượng;
    h) Hòa giải;
    c) Trọng tài;
    d) Tòa án.
    2. Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp sau đây:
    a) Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
    b) Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
    c) Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.
    3. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, từ ngày 01/7/2024 có 03 trường hợp không được thương lượng hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm:

    - Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

    - Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

    - Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.

    Những trường hợp nào không được thương lượng, hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 01/7/2024?

    Những trường hợp nào không được thương lượng, hòa giải giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 01/7/2024?

    Trình tự, thủ tục thương lượng giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện như thế nào?

    Tại Điều 57 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định trình tự, thủ tục thương lượng giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện như sau:

    Bước 1: Người tiêu dùng gửi yêu cầu thương lượng và thông tin, tài liệu liên quan (nếu có) đến tổ chức, cá nhân kinh doanh tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, trang thông tin điện tử hoặc thông qua phương thức liên lạc khác do tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công khai hoặc đang áp dụng.

    Bước 2: Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

    Bước 3: Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng gửi yêu cầu hỗ trợ thương lượng và thông tin, tài liệu liên quan bằng hình thức:

    - Trực tiếp; hoặc

    - Qua đường bưu điện hoặc trực tuyến đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng.

    Bước 5: Tổ chức, cá nhân kinh doanh tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

    Đồng thời thông báo bằng văn bản kết quả thương lượng đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thương lượng.

    Bước 6: Trường hợp từ chối yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Trường hợp nào không tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hỗ trợ thương lượng của người tiêu dùng?

    Tại Điều 58 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có quy định 05 trường hợp không tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hỗ trợ thương lượng của người tiêu dùng bao gồm:

    (1) Người tiêu dùng là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hợp pháp.

    (2) Người yêu cầu hỗ trợ thương lượng không phải là người tiêu dùng hoặc người đại diện hợp pháp của người tiêu dùng.

    (3) Người tiêu dùng không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu để xác định chính xác tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc bằng chứng liên quan đến giao dịch.

    (4) Nội dung yêu cầu hỗ trợ thương lượng không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

    (5) Yêu cầu hỗ trợ thương lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giải quyết.

    Lưu ý: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ 01/7/2024.

    123
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ