Nhiệm vụ của Chánh Thanh tra Bộ là gì?
Nội dung chính
Nhiệm vụ của Chánh Thanh tra Bộ là gì?
Ngày 12/9/2011, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư 08/2011/TT-TTCP quy định tiêu chuẩn Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang Bộ. Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Chánh thanh tra Bộ) là người đứng đầu cơ quan Thanh tra Bộ, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Thanh tra Bộ; tham mưu giúp Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (gọi chung là Bộ trưởng) quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Chánh Thanh tra Bộ là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 2 Thông tư 08/2011/TT-TTCP. Cụ thể bao gồm:
- Chánh Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, đồng thời chịu trách nhiệm trước Tổng Thanh tra Chính phủ và trước pháp luật trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cụ thể:
+ Xây dựng Chương trình, Kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng quyết định và tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch đó;
+ Xây dựng, trình Bộ trưởng xem xét để ban hành hoặc để trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
+ Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, Thanh tra Sở; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện quy định của pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng;
+ Tổ chức công tác tổng hợp thông tin, thống kê, báo cáo hoạt động của ngành Thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
+ Tổ chức chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở đó kiến nghị, bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp có thẩm quyền ban hành; chủ trì hoặc tham gia các đề tài khoa học, ứng dụng khoa học trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ; thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng quyết định thành lập; thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thanh tra vụ việc khác do Bộ trưởng giao trong phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực mà Bộ phụ trách.
- Tham mưu, giúp Bộ trưởng tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 19 của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Quản lý công chức, thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ; quản lý sử dụng có hiệu quả tài sản, tài chính được giao theo quy định.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao hoặc Tổng Thanh tra Chính phủ ủy quyền theo quy định của pháp luật.=