12:02 - 12/11/2024

Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương

Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Tôi đang làm việc tại ủy ban huyện, hiện chúng tôi đang thực hiện một số công tác tới nhiệm vụ bảo vệ môi trường nên tôi có tìm hiểu các quy định liên quan, đặc biệt là về quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường. Nay tôi có thắc mắc như trên.

Nội dung chính

    Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương

    Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 02/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, theo đó:

    2. Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương

    a) Xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chương trình, đề án về bảo vệ môi trường của địa phương;

    b) Xây dựng, thẩm định và công bố quy hoạch bảo vệ môi trường địa phương; hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của địa phương; thẩm định các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được chi từ nguồn sự nghiệp môi trường, thuộc trách nhiệm của địa phương;

    c) Hoạt động của hệ thống quan trắc và phân tích môi trường do các cơ quan, đơn vị địa phương quản lý theo Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (bao gồm vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, hiệu chuẩn, kiểm định, thay thế thiết bị phụ trợ, công cụ, dụng cụ); xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc hiện trạng môi trường, các tác động đối với môi trường của địa phương;

    d) Hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường của địa phương (bao gồm kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến môi trường); xác định khu vực bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường của địa phương;

    đ) Hỗ trợ công tác quản lý chất thải, điều tra, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, đánh giá sức chịu tải của môi trường, thuộc nhiệm vụ của địa phương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thống kê, cập nhật tình hình phát sinh chất thải, sản phẩm thải bỏ.

    e) Hỗ trợ công tác xử lý ô nhiễm môi trường theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bao gồm các nội dung: điều tra khảo sát, phân tích đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường, lập kế hoạch, đề án, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, mua bản quyền công nghệ xử lý chất thải nếu có, kiểm tra, nghiệm thu dự án), gồm:

    - Dự án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do địa phương quản lý (đối với dự án có tính chất chi sự nghiệp bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường), thuộc danh mục dự án theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích, Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 5 tháng 7 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020) và các Quyết định sửa đổi, bổ sung khác của Thủ tướng Chính phủ;

    - Hỗ trợ hoạt động thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và chôn lấp chất thải sinh hoạt tại địa phương (không bao gồm hoạt động xây dựng cơ sở xử lý chất thải).

    - Dự án về bảo vệ môi trường khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

    g) Hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo Thông tư liên tịch số 160/2014/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

    h) Xây dựng và duy trì hoạt động hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường (bao gồm thu thập, xử lý, trao đổi thông tin, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị lưu trữ hệ thống thông tin dữ liệu); thống kê môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê môi trường địa phương; báo cáo công tác bảo vệ môi trường của địa phương;

    i) Quản lý các công trình vệ sinh công cộng; hỗ trợ thiết bị, phương tiện thu gom rác thải, vệ sinh môi trường ở nơi công cộng, khu dân cư theo quyết định của cấp có thẩm quyền; hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức tự quản về môi trường (hợp tác xã, tổ dân phố, các tổ chức chính trị - xã hội). Nội dung hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định;

    k) Hỗ trợ duy trì, vận hành các công trình xử lý ô nhiễm môi trường công cộng; hỗ trợ sửa chữa, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các làng nghề được khuyến khích phát triển.

    l) Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường (bao gồm xây dựng và phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường theo quyết định của cấp có thẩm quyền); tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường; chi giải thưởng, khen thưởng về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân được cấp có thẩm quyền quyết định;

    m) Hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (bao gồm bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học) thuộc trách nhiệm của địa phương và theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

    n) Hoạt động kiểm tra các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án; hoạt động kiểm tra việc hoàn thành đề án bảo vệ môi trường chi tiết; kiểm tra, xác nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, hoạt động kiểm tra việc thực hiện giấy chứng nhận, giấy phép về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thuộc trách nhiệm của địa phương;

    o) Hoạt động xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản (bao gồm văn phòng phẩm, phô tô tài liệu, làm thêm giờ, đi lại kiểm tra thực tế nếu có);

    p) Hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định;

    q) Vốn đối ứng các dự án hợp tác quốc tế có tính chất chi sự nghiệp về bảo vệ môi trường;

    r) Hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường cấp huyện, cấp xã;

    s) Các hoạt động bảo vệ môi trường khác thuộc trách nhiệm của địa phương.

    Việc phân định cụ thể các nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường nêu trên của ngân sách địa phương cho các cấp ngân sách ở địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

    Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương , được quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

    15