Nhập khẩu, kinh doanh tôm càng đỏ (tôm hùm đất) có phạm tội?
Nội dung chính
Nhập khẩu, kinh doanh tôm càng đỏ (tôm hùm đất) có phạm tội?
Theo như thông tin mà chúng tôi ghi nhận được thì tôm càng đỏ còn gọi là tôm hùm đất, có tên tiếng Anh là Crawfish hay Redclaw, và tên khoa học là Cherax quadricarinatus. Tôm hùm đất được xác định là một loài tôm nhiệt đới, thường có màu xanh sẫm và nâu đỏ.
Theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu không phải xin giấy phép đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam trừ loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP để nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép.
Mà theo ghi nhận của chúng tôi thì tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam được ban hành kèm theo theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP.
Do đó: Các tổ chức, cá nhân không được phép nhập khẩu tôm càng đỏ để kinh doanh, mà chỉ được nhập khẩu tôm càng đỏ để nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm và cũng chỉ được nhập khẩu khi đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo ghi nhận của chúng tôi theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 35/2018/TT-BTNMT thì tôm càng đỏ được xác định là loài ngoại lai xâm hại.
Do đó: Từ các dẫn chứng trên đây thì có thể xác định việc nhập khẩu trái phép (khi chưa được phép của Tổng cục Thủy sản), kinh doanh, tiêu thụ tôm càng đỏ là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, theo quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự 2015 thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại:
- Nhập khẩu trái phép loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong trường hợp vật phạm pháp trị giá từ 250.000.000 đồng trở lên hoặc trong trường hợp vật phạm pháp trị giá dưới 250.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
- Phát tán loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại hoặc loài động vật, thực vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại, gây thiệt hại về tài sản từ 150.000.000 đồng trở lên.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với tổ chức phạm Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Do đó: Trường hợp các tổ chức, cá nhân có hành vi nhập khẩu trái phép tôm càng đỏ (loài ngoại lai xâm hại) vào Việt Nam thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại với hình phạt cụ thể như trên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!