16:48 - 12/11/2024

Nhân viên không lưu làm nhiệm vụ gì?

Em là học sinh trường THPT. Hiện tại, gần kết thúc chương trình học THPT nên em đang tìm hiểu về các ngành nghề để chuẩn bị nộp hồ sơ dự tuyển. Qua tìm hiểu em thấy hiện nay các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không dân dụng đang được các bạn trẻ lựa chọn rất nhiều. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, có một số chức danh mà nghe qua em không hình dung được chức năng, nhiệm vụ của nhân viên ở vị trí đó là gì, đơn cử như chức danh nhân viên không lưu. Nhờ anh chị giải đáp giúp em, nhiệm vụ chính của nhân viên không lưu là gì? Có văn bản nào điều chỉnh nội dung này hay không?

Nội dung chính

    Nhân viên không lưu làm nhiệm vụ gì?

    Nhiệm vụ của nhân viên không lưu được quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 61/2011/TT-BGTVT Quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không, hướng dẫn bởi Khoản 2 Mục I Phần B Hướng dẫn 899/HD-CHK năm 2013. Theo đó:

    Nhân viên không lưu thực hiện các nhiệm vụ sau đây đối với chuyến bay Điều hành bay bao gồm: kiểm soát mặt đất, kiểm soát tại sân bay, kiểm soát tiếp cận, kiểm soát đường dài; thông báo bay; tư vấn không lưu; Báo động và các nhiệm vụ khác theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về không lưu.

    Nhân viên không lưu còn được gọi là kiểm soát viên không lưu, tuy chưa được nhiều người biết đến như phi công hay tiếp viên hàng không, nhưng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến bay. Họ là những người chỉ huy, điều hành, đảm bảo an toàn bay cho tất cả các chuyến bay. Theo đó, kiểm soát viên không lưu chịu trách nhiệm chỉ huy tàu bay từ khi tàu bay nổ máy tại sân đỗ cho đến khi tàu bay hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ. Họ phải đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm cho toàn giữa các tàu bay, giữa các tàu bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay. Hiện nay, với lưu lượng chuyến bay ngày một lớn đòi hỏi người kiểm soát không lưu phải điều hành các chuyến bay hợp lý để tạo ra hiệu quả cao nhất. Đối với các sân bay chỉ phục vụ cho mục đích dân sự, công việc đã không đơn giản thì với những sân bay sử dụng cho cả quân sự lẫn dân sự, công việc của kiểm soát viên lại càng phức tạp hơn.

    Ở nước ta, kiểm soát viên không lưu được bố trí làm việc tại các cơ sở điều hành bay với trang thiết bị hiện đại đặt tại các sân bay Quốc tế như sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng, sân bay Tân Sơn Nhất và tại các sân bay tại các địa phương khác. Hàng năm, kiểm soát viên không lưu được tham gia các khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước và tại các cơ sở đào tạo huấn luyện hàng không có uy tín trên thế giới như tại Singapore, Thailan, NewZealand... Kiểm soát viên không lưu được quan tâm, tạo điều kiện về đời sống vật chất, tinh thần và có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của một kiểm soát viên không lưu là trên 27 triệu đồng một tháng, thu nhập thực tế của từng kiểm soát viên không lưu tùy thuộc vào thâm niên công tác và đóng góp thực tế. Ngoài ra kiểm soát viên không lưu còn có các chế độ, quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước và của đơn vị công tác.

    Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ của nhân viên không lưu. Để hiểu chi tiết hơn nội dung này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 61/2011/TT-BGTVT.

    Trân trọng!

    7