Thứ 4, Ngày 06/11/2024
19:26 - 06/11/2024

Người mất năng lực hành vi dân sự có bị xử phạt vi phạm giao thông không?

Người mất năng lực hành vi dân sự có bị xử phạt vi phạm giao thông không? Người mất năng lực hành vi dân sự có phải bồi thường khi gây thiệt hại không?

Nội dung chính

    1. Người mất năng lực hành vi dân sự có bị xử phạt vi phạm giao thông không?

    Theo quy định tại Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 trường hợp sau đây:

    Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

    1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

    2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

    3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

    4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

    5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

    Theo Khoản 15 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 giải thích Người không có năng lực trách nhiệm hành chính như sau:

    15. Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

    Căn cứ Khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định mất năng lực hành vi dân sự như sau:

    1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

    Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

    Theo đó, chị bạn mất năng lực hành vi dân sự, mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính nên chị bạn không bị xử phạt vi phạm giao thông.

    2. Người mất năng lực hành vi dân sự có phải bồi thường khi gây thiệt hại không?

    Căn cứ Điều 586 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

    1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

    2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

    Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

    3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

    Như vậy, trường hợp chị bạn đã bị Tòa tuyên mất năng lực hành vi dân sự và gây thiệt hại về tài sản thì người giám hộ của chị bạn được dùng tài sản của chị bạn để bồi thường. Nếu chị bạn không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.