Ngày 7 tháng 2 là ngày vía Thần Tài đúng không? Người lao động có được nghỉ làm vào ngày vía thần tài không?
Nội dung chính
Ngày 7 tháng 2 là ngày vía Thần Tài đúng không?
Ngày vía Thần Tài được xem là ngày quan trọng để cúng Thần Tài, vị thần cai quản tài lộc, tiền bạc trong tín ngưỡng dân gian. Ngày này rơi vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Vào ngày vía Thần Tài nhiều người cúng Thần Tài với mong muốn cả năm buôn may bán đắt, tài lộc dồi dào. Ngoài ra, tục mua vàng lấy may cũng phổ biến, vì vàng tượng trưng cho tài lộc, giúp tiền bạc sung túc cả năm.
Đối chiếu theo lịch vạn niên thì mùng 10 tháng Giêng âm lịch năm nay rơi vào ngày 7 tháng 2. Như vậy, ngày 7 tháng 2 là ngày vía Thần Tài.
Ngày 7 tháng 2 là ngày vía Thần Tài đúng không? Người lao động có được nghỉ làm vào ngày vía thần tài không? (Hình từ Internet)
Trong mâm cúng ngày vía Thần Tài có những gì?
Vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch (ngày vía Thần Tài), nhiều gia đình và cửa hàng kinh doanh làm lễ cúng để cầu tài lộc, công việc suôn sẻ. Dưới đây là danh sách lễ vật đầy đủ để cúng Thần Tài đúng chuẩn.
(1) Bộ tam sên (3 món biểu trưng cho Thổ - Thủy - Thiên):
- 1 miếng thịt heo luộc (hoặc heo quay) – tượng trưng cho đất liền.
- 1 con tôm hoặc cua luộc – tượng trưng cho thủy sản.
- 1 quả trứng gà hoặc vịt luộc – tượng trưng cho trời.
(2) Gà luộc hoặc cá lóc nướng (tùy theo vùng miền).
(3) Hoa tươi (hoa cúc vàng, hoa đồng tiền…).
(4) Nến hoặc đèn dầu.
(5) Hương (nhang thơm).
(6) Trà, rượu, nước lọc (3 chén mỗi loại).
(7) Trái cây ngũ quả (tùy vùng miền, có thể chọn dưa hấu, thanh long, cam, xoài, đu đủ…).
(8) Gạo, muối hạt (đựng trong chén nhỏ, dùng để cầu tài lộc).
(9) Tiền vàng mã (có thể kèm theo hình Thần Tài, thỏi vàng mã).
Người lao động có được nghỉ làm vào ngày vía thần tài không?
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ dịp lễ tết như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hàng tuần như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
...
Bên cạnh đó, tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo quy định vừa nêu thì người lao động chỉ được nghỉ làm hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Như vậy, ngày Vía Thần Tài 2025 không thuộc một trong những ngày lễ mà người lao động được nghỉ (trừ trường hợp ngày này rơi vào ngày nghỉ hàng tuần của người lao động).
Trong trường hợp muốn nghỉ làm hưởng nguyên lương vào ngày này thì người lao động có thể xin nghỉ phép theo diện phép năm hoặc nghỉ không lương vào ngày Vía Thần Tài 2025.