Năm 2025, đi xe mượn mà bị phạt nguội thì ai nộp phạt?
Nội dung chính
Năm 2025, đi xe mượn mà bị phạt nguội thì ai nộp phạt?
Căn cứ theo khoản 8 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:
Thủ tục xử phạt, nguyên tắc xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ
...
8. Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì thực hiện như sau:
a) Cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc vi phạm. Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản hoặc thực hiện thông báo bằng phương thức điện tử thông qua ứng dụng giao thông trên thiết bị di động dành cho công dân (sau đây viết gọn là Ứng dụng giao thông trên thiết bị di động) do Bộ Công an xây dựng, quản lý, vận hành khi đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin; đồng thời cập nhật thông tin về phương tiện vi phạm trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông;
b) Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện;
Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm được phát hiện, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép;
c) Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Chính phủ về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
...
Khi đi xe mượn mà bị phạt nguội thì chủ xe và người đi xe mượn có liên quan đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để giải quyết vụ việc vi phạm.
Chủ xe có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
(1) Đối với chủ xe là cá nhân:
Không hợp tác với cơ quan chức năng, không cung cấp bằng chứng hoặc giải trình hợp lý để chứng minh mình không phải là người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, họ sẽ bị xử phạt theo hành vi vi phạm đã được phát hiện.
(2) Đối với chủ xe là tổ chức:
Không hợp tác với cơ quan chức năng hoặc không cung cấp giải trình để xác định người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, tổ chức sẽ bị xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm đã được phát hiện, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.
Như vậy, trường hợp chủ xe chấp nhận hợp tác và chứng minh được mình không phải là người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm giao thông thì người điều khiển sẽ là người bị nộp phạt.
Năm 2025, đi xe mượn mà bị phạt nguội thì ai nộp phạt? (Hình từ Internet)
Khi đi xe mượn cần mang những giấy tờ gì?
Tại khoản 1 Điều 56 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, khi đi xe mượn tham gia giao thông đường bộ, người mượn xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
- Chứng nhận đăng ký xe (hay thường gọi là cà vẹt xe) hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
- Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô;
- Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
- Giấy tờ tùy thân.
Khi tham gia giao thông cần đảm bảo những nguyên tắc gì để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Điều 3 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 như sau:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
- Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.
- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.