15:27 - 06/01/2025

Mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe theo Nghị định 168/2024

Chính phủ quy định Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe.

Nội dung chính

    Mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe theo Nghị định 168/2024

    (1) Đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy

    Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    ...
    3. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    ...
    e) Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe;
    ...
    10. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    ...
    b) Vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 1; điểm c, điểm đ, điểm g khoản 2; điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k khoản 3; điểm đ khoản 4; điểm c, điểm d khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a, điểm b, điểm h, điểm k khoản 9 Điều này.
    ...

    Bên cạnh đó, căn cứ điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác
    ...
    5. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    a) Bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe;
    ...

    Theo đó, mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe đối với xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy là phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng. Trường hợp vi phạm mà gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.

    Bên cạnh đó, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mang vác vật cồng kềnh thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

    (2) Đối với xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác

    Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
    ...
    2. Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    ...
    c) Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
    ...

    Bên cạnh đó, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

    Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác
    ...
    2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
    ...
    đ) Người được chở trên xe đạp, xe đạp máy bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh;
    ...

    Theo đó, mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác là phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.

    Bên cạnh đó, người ngồi sau xe đạp, xe đạp máy mang vác vật cồng kềnh thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng.

    Mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe theo Nghị định 168/2024

    Mức phạt lỗi mang vác vật cồng kềnh trên xe theo Nghị định 168/2024 (Hình từ Internet)

    Người đi bộ có được mang vác vật cồng kềnh khi đi đường không?

    Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 30 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:

    Người đi bộ; trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự tham gia giao thông đường bộ
    1. Người đi bộ phải tuân thủ các quy định sau đây:
    a) Phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình;
    b) Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ. Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay;
    c) Không được vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đường bộ đang di chuyển; khi mang, vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
    ...

    Theo đó, người đi bộ được phép mang vác vật cồng kềnh, tuy nhiên phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

    Hàng hóa xếp trên xe phải đảm bảo quy định như thế nào?

    Căn cứ khoản 5 Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Hàng hóa xếp trên xe không vượt quá 1/3 chiều dài thân xe và không vượt quá 01 mét phía trước và phía sau xe; không vượt quá 0,4 mét mỗi bên bánh xe.

    64