14:30 - 02/01/2025

Mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 theo Nghị định 168/2024

Mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 theo Nghị định 168/2024 là bao nhiêu? Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải mang giấy tờ xe nào từ năm 2025?

Nội dung chính

    Mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 theo Nghị định 168/2024 đối với xe máy

    Căn cứ Điều 14 và Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 đối với xe máy tương ứng với từng loại giấy tờ như sau:

    Lỗi vi phạm

    Mức phạt

    Không mang GPLX

    Từ 200.000 - 300.000 đồng

    Không có GPLX hoặc sử dụng GPLX đã bị trừ hết điểm hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, không còn hiệu lực, không phù hợp với loại xe đang điều khiển

    - Từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng

    (Đối với xe từ 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW)

    - Từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng

    (Đối với xe trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW)

     

    Không mang theo giấy đăng ký xe

    Từ 200.000 - 300.000 đồng

    Không có giấy đăng ký xe

    Từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng

    (Tịch thu phương tiện, trừ 2 điểm GPLX)

    Không có bảo hiểm xe bắt buộc

    Từ 200.000 - 300.000 đồng

    Mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 theo Nghị định 168/2024

    Mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 theo Nghị định 168/2024 (Hình từ Internet)

    Mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 theo Nghị định 168/2024 đối với xe ô tô

    Căn cứ Điều 14 và Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt lỗi không mang giấy tờ xe từ năm 2025 đối với xe ô tô tương ứng với từng loại giấy tờ như sau:

    Lỗi vi phạm

    Mức phạt

    Không mang GPLX

    Từ 300.000 - 400.000 đồng

    Không có GPLX hoặc sử dụng GPLX đã bị trừ hết điểm hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa, không còn hiệu lực, không phù hợp với loại xe đang điều khiển

    Từ 18.000.000 - 20.000.000 đồng

    Không mang theo giấy đăng ký xe

    Từ 300.000 - 400.000 đồng

    Không có giấy đăng ký xe

    Từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng

    (Tịch thu phương tiện, trừ 2 điểm GPLX)

    Không có bảo hiểm xe bắt buộc

    Từ 400.000 - 600.000 đồng

    Không mang giấy chứng nhận đăng kiểm

    Từ 300.000 - 400.000 đồng

    Không có giấy chứng nhận đăng kiểm

    Từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng

    (Trừ 2 điểm GPLX)

    Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải mang giấy tờ xe nào từ năm 2025?

    Căn cứ Điều 56 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải mang giấy tờ xe sau đây khi tham gia giao thông từ năm 2025:

    - Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

    - Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;

    - Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;

    - Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

    Riêng đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng thì ngoài 04 loại giấy tờ đã nêu trên thì còn phải mang theo giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ tham gia giao thông từ năm 2025.

    Lưu ý: Trường hợp giấy tờ đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử (VNeID) thì việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.

    Thời hiệu xử phạt vi phạm giao thông từ năm 2025 là bao lâu?

    Căn cứ Điều 4 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.

    - Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để xác định cá nhân, tổ chức vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật của cá nhân, tổ chức ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

    Quá thời hạn nêu trên mà người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt theo quy định thì kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp không còn giá trị sử dụng. Trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

    - Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện

    + Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

    + Đối với các hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp: thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi nhận hành vi vi phạm.

    Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 01 năm.

    659