14:25 - 25/09/2024

Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu? Phiếu lý lịch tư pháp dùng để làm gì?

Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu? Phiếu lý lịch tư pháp dùng để làm gì?

Nội dung chính


    Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu?

    Tuỳ vào lĩnh vực thì phiếu lý lịch tư pháp sẽ có thời hạn sử dụng khác nhau. Chẳng hạn:

    Tại Điều 5 Nghị định 19/2011/NĐ-CP có quy định về thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp như sau:

    Thời hạn có giá trị sử dụng của giấy tờ

    1. Phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong nước theo quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi và giấy tờ quy định tại điểm b, điểm đ khoản 1 Điều 21 của Nghị định này có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

    2. Phiếu lý lịch tư pháp, văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe, bản điều tra về tâm lý, gia đình, văn bản xác nhận thu nhập và tài sản của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định tại Điều 31 của Luật Nuôi con nuôi có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

    3. Phiếu lý lịch tư pháp của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 của Nghị định này có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

    Như vậy, trong quy định của Luật Nuôi con nuôi thì:

    - Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

    - Phiếu lý lịch tư pháp của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi;

    - Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài và của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

    Lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu? Phiếu lý lịch tư pháp dùng để làm gì? (Hình từ Internet)

    Phiếu lý lịch tư pháp dùng để làm gì?

    Theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp 2009 có quy định như sau:

    Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp

    Là phiếu có giá trị chứng minh:

    - Cá nhân có hay không có án tích;

    - Bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

    Phiếu lý lịch tư pháp có mấy loại?

    Tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

    Phiếu lý lịch tư pháp

    1. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:

    a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật này;

    b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

    2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

    Như vậy, hiện nay phiếu lý lịch tư pháp có 02 loại là:

    - Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Phiếu được cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức;

    - Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Phiếu được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

    Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong vòng bao nhiêu ngày?

    Căn cứ Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

    Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp

    1. Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này thì thời hạn không quá 15 ngày.

    2. Trường hợp khẩn cấp quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

    Như vậy, Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ. 

    Các trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, trường hợp phải xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì không quá 15 ngày.

    Trường hợp khẩn cấp thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.

    Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp?

    Theo Điều 44 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

    Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp

    1. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

    a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

    b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.

    2. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây:

    a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;

    b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;

    c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.

    3. Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.

    Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

    4. Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được ghi vào sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

    Như vậy, tùy theo đối tượng yêu cầu thì có cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp bao gồm:

    - Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

    - Sở Tư pháp

     

    1