17:04 - 26/09/2024

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho ai? Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp số 1 gồm có những gì?

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho ai? Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp số 1 gồm có những gì? Thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 được quy định như thế nào?
Em vừa nhận việc tại một công ty, bộ phận nhân sự yêu cầu em phải cung cấp lý lịch tư pháp số 1. Ban biên tập giải thích giúp em, phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho ai? Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp số 1 gồm có những gì?

Nội dung chính

    1. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho ai?

    Tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về phiếu lý lịch tư pháp như sau:

    1. Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:

    a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật này;

    b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

    2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

    Tại Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

    1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

    2. Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

    3. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

    2. Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp số 1 gồm có những gì?

    Tại Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định về nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 như sau:

    1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

    2. Tình trạng án tích:

    a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

    b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

    c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

    3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

    a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

    b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

    Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.

    Theo đó, phiếu lý lịch tư pháp số 1 bao gồm những nội dung như Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, tình trạng án tích của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định nêu trên.

    3. Thủ tục yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 được quy định như thế nào?

    Tại Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp 2009 được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 37 Luật cư trú 2020 quy định về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 như sau:

    1. Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo các giấy tờ sau đây: Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

    2. Cá nhân nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo tại các cơ quan sau đây:

    a) Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;

    b) Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

    3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

    4. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 3 Điều 7 của Luật này khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia. Văn bản yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ cơ quan, tổ chức, mục đích sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp và thông tin về người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật này.

    5. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

    Trên đây là quy định về thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 của pháp luật.

    Trân trọng!

    305
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ