18:23 - 18/11/2024

Lực lượng bảo vệ có được trang bị súng không? Kiểm lâm có thể được trang bị dao găm không?

Lực lượng bảo vệ có được trang bị súng không? Súng ngắn hơi được trang bị cho ai? Kiểm lâm có thể được trang bị dao găm không?

Nội dung chính

    Lực lượng bảo vệ có được trang bị súng không? Kiểm lâm có thể được trang bị dao găm không?

    Lực lượng bảo vệ có được trang bị súng không? Theo tôi được biết thì đối với những lực lượng đặc biệt làm việc trong ngành công an và quân đội thì được trang bị súng. Tôi thấy lực lượng bảo vệ tại ngân hàng cũng được trang bị súng. Cho tôi hỏi như thế có đúng không? Xin tư vấn giúp tôi.

    Trả lời:

     

    Theo quy định tại Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì:

    1. Đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:

    ...

    m) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

    Theo quy định trên thì lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ là đối tượng được trang bị vũ khi quân dụng.

    Tại Điểm b Khoản 3 Điều 9 Thông tư 17/2018/TT-BCA thì:

    Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ để xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau:

    - Súng bắn điện

    - Súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay

    - Đạn sử dụng cho các loại súng này;

    - Phương tiện xịt hơi cay

    - Dùi cui điện;

    - Dùi cui kim loại;

    - Dùi cui cao su;

    - Găng tay bắt dao;

    - Áo giáp;

    Như vậy, lực lượng bảo vệ tại Ngân hàng được trang bị súng và các công cụ hỗ trợ như phân tích ở trên. Tuy nhiên súng ở đây là súng điện.

    Súng ngắn hơi được trang bị cho ai?

    Súng ngắn hơi được trang bị cho ai? Cho hỏi, súng ngắn hơi thuộc loại vũ khí nào? Và theo quy định thì nó được trang bị cho ai? Mong được giải đáp.

    Trả lời:

    Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định:

    Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

    + Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

    + Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

    Tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, bao gồm:

    + Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân;

    + Học viện, trường Công an nhân dân;

    + Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.

    Như vậy, súng ngắn hơi thuộc vũ khí thể thao và được cấp cho Trung tâm, huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân; Học viên, trường Công an nhân dân và Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.

    Kiểm lâm có thể được trang bị dao găm không?

    Cho tôi hỏi vấn đề này, kiểm lâm có thể được trang bị dao găm hay không? Cơ sở nào quy định?

    Trả lời:

    Theo Khoản 4 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì dao găm được xem là vũ khí thô sơ.

    Đồng thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật này thì đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ bao gồm:

    a) Quân đội nhân dân;

    b) Dân quân tự vệ;

    c) Cảnh sát biển;

    d) Công an nhân dân;

    đ) Cơ yếu;

    e) Kiểm lâm, Kiểm ngư;

    ...

    Từ các quy định trên có thể thấy rằng kiểm lâm có thể được trang bị dao găm.

    7