17:38 - 18/11/2024

Tòa có thụ lý đồng thời hai yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại?

Liệu Tòa có thụ lý đồng thời hai yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại? Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của CT UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng TN&MT thì có được khởi kiện không? Yêu cầu hủy QĐ hành chính của người khởi kiện không được chấp nhận thì có được cưỡng chế thi hành quyết định đó không?

Nội dung chính

    Tòa có thụ lý đồng thời hai yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại?

    Liệu Tòa có thụ lý đồng thời hai yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại?

    Quyết định hành chính bị khiếu nại. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết nên người bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp đã khởi kiện cả quyết định hành chính và hành vi hành chính không giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp này, Tòa án có thụ lý xem xét, giải quyết đồng thời hai yêu cầu này của người khởi kiện hay không?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 33 Luật Tố tụng hành chính 2015 có nội dung quy định như sau:

    1. Trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết và có văn bản thông báo cho Tòa án.

    => Như vậy, trường hợp vừa có đơn khởi kiện quyết định hành chính, vừa khởi kiện hành vi không giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính thì Tòa án cần giải thích cho người khởi kiện lựa chọn một trong hai yêu cầu nêu trên.

    Trường hợp người khởi kiện lựa chọn khởi kiện quyết định hành chính hoặc lựa chọn khởi kiện hành vi không giải quyết khiếu nại thì Tòa án xem xét, thụ lý vụ án hành chính theo yêu cầu khởi kiện của đương sự. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong trường hợp này được xác định theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính.

    Trường hợp người khởi kiện vẫn đề nghị Tòa án giải quyết đồng thời cả hai yêu cầu thì Tòa án chỉ thụ lý, xem xét giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính.

    Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của CT UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng TN&MT thì có được khởi kiện không?

    Cho em hỏi: Điều 203 của Luật Đất đai quy định: “3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau: Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính”; Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

    Vậy trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện tại Tòa án hay không?

    Theo quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 thì: 

    “1....Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

    3... Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì: 

    “1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

    a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

    b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

    c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.”

    Như vậy, theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì không loại trừ quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực đất đai.

    => Do đó, nếu các quyết định này thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính thì thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

    Yêu cầu hủy QĐ hành chính của người khởi kiện không được chấp nhận thì có được cưỡng chế thi hành quyết định đó không?

    Trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy quyết định hành chính của người khởi kiện, thì cơ quan hành chính có được cưỡng chế thi hành quyết định hành chính ngay hay phải chờ sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành án thì mới được cưỡng chế thi hành quyết định hành chính?

    Khoản 2, Khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính 2015 có nội dung quy định:

    2. Thời hạn tự nguyện thi hành án được xác định như sau:
    ...

    b) Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án.
    ...

    3. Quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người phải thi hành án không thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 312 của Luật này.

    Khoản 1 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về yêu cầu, quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án như sau:

    1. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật này mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành án có quyền gửi đơn kèm theo bản sao bản án, quyết định của Tòa án, tài liệu khác có liên quan đề nghị Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

    => Như vậy, sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan hành chính có thẩm quyền mới được áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính theo quy định của pháp luật.

    4