Thứ 4, Ngày 06/11/2024
11:33 - 06/11/2024

Làm gì khi bị ép kết hôn với người mình không yêu?

Làm gì khi bị ép kết hôn với người mình không yêu?

Nội dung chính

    Làm gì khi bị ép kết hôn với người mình không yêu?

    Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 và Điểm b Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc kết hôn là do nam và nữ tự nguyện quyết định, nghiêm cấm hành vi cưỡng ép kết hôn.

    Như vậy, việc bạn bị ép kết hôn là trái với quy định của pháp luật.

    Người cưỡng ép bạn kết hôn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

    Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.

    Nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự 2015:

    Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

    Ngoài ra theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:

    1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

    2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

    a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

    b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

    c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

    d) Hội liên hiệp phụ nữ.

    3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

    Căn cứ theo các quy định nêu trên thì nếu bạn bị uy hiếp, đe dọa thì bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để được xem xét và giải quyết. Hoặc có thể tự mình yêu cầu hoặc liên hệ với cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 2 nêu trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật (nếu đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn).

    Ban biên tập thông tin đến bạn!

    Trân trọng!