10:28 - 12/11/2024

Kiến nghị về công trình gây ô nhiễm môi trường ở đâu?

Kiến nghị về công trình gây ô nhiễm môi trường ở đâu? Thông tin kiến nghị về ô nhiễm môi trường bao gồm nội dung gì?

Nội dung chính

    Xin hỏi nhà e ở ngay cầu vượt cao tốc ngay đoạn dầu giây đi Phan Thiết.Vào mùa khô lượng xe lưu thông nhiều qua công trình khiến cho bụi và ô nhiễm môi trường. Giờ em muốn kiến nghị về việc gây ô nhiễm môi trường này thì kiến nghị ở đâu và em phải trình bày nội dung như thế nào?

    Kiến nghị về công trình gây ô nhiễm môi trường ở đâu? 

    Căn cứ Điều 3 Quyết định 1730/QĐ-TCMT năm 2017 về hệ thống đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường

    1. Hệ thống đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường được thiết lập trên phạm vi toàn quốc, bao gồm:

    a) Đường dây nóng cấp Trung ương đặt tại Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm số điện thoại 086.900.0660 và địa chỉ thư điện tử duongdaynong@vea.gov.vn.

    b) Đường dây nóng cấp địa phương đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    Danh mục đường dây nóng cấp địa phương tại Phụ lục 1 kèm theo Quy trình này và được công khai, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Môi trường và trang tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    2. Đường dây nóng hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ.

    Ngoài ra, bạn có thể gửi kiến nghị ô nhiễm môi trường thông qua có phương thức quy định tại Điều 7 Quyết định 174/QĐ-BTNMT năm 2022 về phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng như sau:

    1. Các phương thức tiếp nhận thông tin đường dây nóng như sau:

    a) Gọi điện, nhắn tin vào các số điện thoại đường dây nóng;

    b) Gửi thông tin vào thư điện tử đường dây nóng;

    c) Gửi thông tin qua Hệ thống thông tin trên website (địa chỉ website: https://pakntt.monre.gov.vn) hoặc gửi thông tin qua ứng dụng trên thiết bị di động (tên ứng dụng: paknMonre).

    2. Cơ quan tiếp nhận thông tin đường dây nóng phải công khai thông tin số điện thoại và địa chỉ thư điện tử đường dây nóng, Hệ thống thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của đơn vị theo nguyên tắc sau:

    a) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai, cập nhật số điện thoại tổng đài, địa chỉ thư điện tử của đường dây nóng cấp Trung ương và Hệ thống thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường;

    b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công khai, cập nhật số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của đường dây nóng các cấp trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Sở Tài nguyên và Môi trường; đồng thời gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) để kết nối với số điện thoại tổng đài đường dây nóng cấp Trung ương.

    Như vậy, bạn có thể gửi kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua các phương tiện thông tin tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cơ quan chuyên môn.

    Thông tin kiến nghị về ô nhiễm môi trường bao gồm nội dung gì? 

    Căn cứ Khoản 2 Điều 6 Quyết định 1730/QĐ-TCMT năm 2017 quy định về thông tin tiếp nhận như sau:

    2. Các nội dung của thông tin phản ánh, kiến nghị

    a) Thông tin của tổ chức, cá nhân phản ánh, kiến nghị: Họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử (nếu có).

    b) Thông tin mô tả vụ việc gây ô nhiễm

    - Tên tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm (nếu xác định được);

    - Thời gian xảy ra hoặc phát hiện vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường;

    - Địa điểm, vị trí của vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường;

    - Mô tả loại hình ô nhiễm; tính chất, mức độ vụ việc, sự cố ô nhiễm môi trường; phạm vi gây ô nhiễm;

    - Mô tả hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học (ví dụ: nuôi, bắt các động vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ,...);

    - Những bằng chứng kèm theo: ảnh, video, bản ghi âm, tài liệu,... (nếu có).

    Như vậy, trong thông tin bạn kiến nghị ô nhiễm môi trường cần có thông tin cá nhân của bạn, thông tin mô tả vụ việc gây ô nhiễm.

    Trân trọng!

    5