11:07 - 30/10/2024

Kiểm tra viên chính của Đảng có trách nhiệm và nhiệm vụ gì?

Nhiệm vụ và chức trách của kiểm tra viên chính Đảng là gì? Quy định nào đảm bảo quyền và trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra?

Nội dung chính

    Kiểm tra viên chính của Đảng có trách nhiệm và nhiệm vụ gì?

    Chức trách của kiểm tra viên chính của Đảng

    Căn cứ theo Tiết a Mục 2 Phần A Tiêu chuẩn, chức danh và bổ nhiệm ngạch kiểm tra ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-UBKTTW quy định về chức trách của kiểm tra viên chính của Đảng (Mã ngạch: 04.024A) như sau:

    Là cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp) trở lên. Được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở một hoặc một số địa phương, đơn vị; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chuyên đề hoặc đảm nhiệm những nhiệm vụ được giao khác về công tác kiểm tra, giám sát.

    Nhiệm vụ của kiểm tra viên chính của Đảng

    Căn cứ theo Tiết b Mục 2 Phần A Tiêu chuẩn, chức danh và bổ nhiệm ngạch kiểm tra ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-UBKTTW quy định về nhiệm vụ của kiểm tra viên chính của Đảng (Mã ngạch: 04.024A) như sau:

    - Chủ trì nghiên cứu, đề xuất chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công; chịu trách nhiệm cá nhân trước lãnh đạo đơn vị về các kết luận, kiến nghị, đề xuất của mình.

    - Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy chế, quy định, quy trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công.

    - Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (tại các địa bàn hoặc chuyên đề được phân công); các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, quy chế, quy định của cơ quan liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công; đề xuất các biện pháp khắc phục.

    - Xây dựng, thực hiện kế hoạch các hoạt động nghiệp vụ, thu thập thông tin, thống kê, lưu trữ tài liệu; phân tích, đánh giá kết quả thực hiện công việc được phân công.

    - Chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án cấp cơ sở; tham gia nghiên cứu đề tài, đề án cấp tỉnh, thành; cấp ban, bộ, ngành Trung ương.

    - Tham gia biên soạn từng phần hoặc chuyên đề, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngạch dưới.

    5