Kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý có thi vấn đáp không?
Nội dung chính
1. Kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý có thi vấn đáp không?
Tại Điều 29 Thông tư 08/2017/TT-BTP được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BTP quy định nguyên tắc, nội dung và hình thức kiểm tra như sau:
1. Việc kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý phải nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, trung thực và tuân thủ quy định của pháp luật.
2. Nội dung kiểm tra bao gồm: Kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, trợ giúp pháp lý; kỹ năng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
3. Hình thức kiểm tra bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành.
a) Kiểm tra viết: Kiểm tra kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, trợ giúp pháp lý; kỹ năng tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật. Thời gian kiểm tra viết là 180 phút.
b) Kiểm tra thực hành: Thí sinh chuẩn bị phương án giải quyết 01 vụ việc tham gia tố tụng và gửi về Hội đồng kiểm tra chậm nhất 10 ngày trước ngày kiểm tra. Tại buổi kiểm tra thực hành, thí sinh trình bày phương án đã được chuẩn bị và trả lời các câu hỏi do thành viên Hội đồng kiểm tra nêu ra.
Như vậy, theo quy định trên hình thức kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý bao gồm kiểm tra viết và kiểm tra thực hành, không có hình thức kiểm tra vấn đáp.
Theo đó, khi bạn tham gia kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý thì bạn chỉ có 02 bài kiểm tra là kiểm tra viết và kiểm tra thực hành chứ không kiểm tra vấn đáp.
Kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý có thi vấn đáp không? (Internet)
2. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý có bao nhiêu người?
Theo Điều 30 Thông tư 08/2017/TT-BTP quy định hội đồng kiểm tra như sau:
1. Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Hội đồng kiểm tra) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý. Hội đồng kiểm tra được sử dụng con dấu của Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
2. Hội đồng kiểm tra có từ 07 đến 09 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng kiểm tra là Lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý; các thành viên là đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, một số luật sư và trợ giúp viên pháp lý có uy tín.
3. Giúp việc cho Hội đồng kiểm tra có Ban thư ký, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban phách, Ban chấm thi viết và Ban phúc tra do Chủ tịch Hội đồng kiểm tra thành lập (sau đây gọi là các Ban của Hội đồng kiểm tra).
Do đó, theo quy định trên hội đồng kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý sẽ có từ 07 đến 09 thành viên.
3. Trợ giúp viên pháp lý có được trợ cấp trang phục không?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý như sau:
1. Trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật.
2. Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).
3. Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn sau đây:
a) Quần áo vest: cấp 02 năm/01 lần, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;
b) Áo sơ mi dài tay: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 cái, các lần sau mỗi lần 01 cái;
c) Quần áo xuân hè: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;
d) Giầy da: 01 đôi/01 năm;
đ) Dép quai hậu: 01 đôi/01 năm;
e) Thắt lưng: 01 cái/02 năm;
g) Cà vạt: 01 cái/02 năm;
h) Bít tất: 02 đôi/01 lần/01 năm;
i) Cặp đựng tài liệu: 01 cái/02 năm;
k) Biển hiệu: 01 cái (cấp 01 lần).
Mẫu trang phục, việc quản lý, cấp phát và sử dụng trang phục thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Như vậy, theo quy định trên khi bạn làm trợ giúp viên pháp lý thì bạn sẽ được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn. Những trang phục như: quần áo vest, áo sơ mi dài tay, quần áo xuân hè, giầy da, dép quai hậu, thắt lưng, cà vạt, bít tất, cặp đựng tài liệu, biển hiệu sẽ được cấp theo niên nạn đã được nêu trên.