11:12 - 11/11/2024

Hướng dẫn xử lý hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp ngừng kinh doanh?

Hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp là gì? Hướng dẫn xử lý hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp ngừng kinh doanh? Xuất hóa đơn đầu ra đối với việc bán hàng hóa khi chưa có hóa đơn đầu vào có được không?

Nội dung chính

    Hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp là gì?

    Hiện nay, chưa có văn bản nào định nghĩa cụ thể về hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp được hiểu là giấy tờ, chứng từ được dùng để chứng minh cho việc mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động doanh nghiệp.

    Hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp là một giấy tờ ghi lại thời gian, hoạt động giao dịch của người bán và người mua.

    Hướng dẫn xử lý hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp ngừng kinh doanh? (Hình từ Internet)

    Hướng dẫn xử lý hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp ngừng kinh doanh?

    Căn cứ Công văn 11797/BTC-TCT năm 2014 hướng dẫn hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp ngừng kinh doanh thì bị xử lý như sau:

    Trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng

    - Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chờ kết quả chính thức cơ quan có thẩm quyền.

    - Doanh nghiệp chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

    Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng

    - Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế giá trị gia tăng đã khấu trừ.

    - Trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    - Cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định.

    - Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải thực hiện xác minh, đối chiếu với doanh nghiệp có quan hệ mua bán về một số nội dung:

    + Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng hóa; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển hàng hóa; chủ sở hữu hàng hóa và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa)

    + Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản để giao dịch; số lần thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán; chứng từ thanh toán.

    + Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Vận đơn (nếu có).

    - Qua thanh tra, kiểm tra nếu xác minh được việc mua bán hàng hóa là có thực và đúng với quy định của pháp luật thì giải quyết cho doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng;

    - Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết nếu trong các hồ sơ, tài liệu doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan Thuế sau này phát hiện có sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    - Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, có dấu hiệu tội phạm thì lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Xuất hóa đơn đầu ra đối với việc bán hàng hóa khi chưa có hóa đơn đầu vào có được không?

    Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có ban hành về thời điểm lập hóa đơn như sau:

    Thời điểm lập hóa đơn

    1. Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

    3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

    Như vậy, việc xuất hóa đơn đầu ra đối với việc bán hàng hóa khi chưa có hóa đơn đầu vào là một hành vi vi phạm pháp luật về thời điểm lập hóa đơn.

    Chỉ được lập hóa đơn vào thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

    Trân trọng!

    22