Hợp đồng tặng cho tài sản do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự ký có hiệu lực hay không?
Nội dung chính
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là gì?
Theo Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm năng lực hành vi dân sự như sau:
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng tặng cho tài sản do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự ký có hiệu lực hay không? (Hình từ internet)
Thế nào là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự?
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 thì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định cụ thể như sau:
- Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
- Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
- Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Theo đó, nếu một người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích dẫn đến phá tán tài sản thì người có quyền, lợi ích liên quan được yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Do đó, một người được xem là hạn chế năng lực hành vi dân sự khi và chỉ khi có quyết định của Tòa án.
Thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như thế nào?
Theo Điều 365 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Điều 377 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Điều 378 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
- Thông báo thụ lý đơn yêu cầu
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
+ Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:
++ Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;
++ Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu;
++ Tên, địa chỉ của đương sự;
++ Những vấn đề cụ thể đương sự yêu cầu Tòa án giải quyết;
++ Danh mục tài liệu, chứng cứ đương sự nộp kèm theo đơn yêu cầu;
++ Thời hạn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có);
++ Hậu quả pháp lý của việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự.
- Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, theo đề nghị của người yêu cầu, Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khỏe, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.
- Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
Trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Hợp đồng tặng cho tài sản do người hạn chế năng lực hành vi dân sự ký có hiệu lực hay không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
+ Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, theo quy định trên người bị tòa án tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi ký kết hợp đồng tặng cho tài sản thì hợp đồng này sẽ không có hiệu lực do không đáp ứng được điều kiện về năng lực hành vi dân sự của chủ thể.