15:04 - 21/09/2024

Hội đồng Y khoa Quốc gia được thành lập bởi ai? Các nhiệm vụ chính của hội đồng này là gì?

Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do ai thành lập? Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ nào? Phương thức hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia được thực hiện như thế nào?

Nội dung chính

    Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do ai thành lập? Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ nào?

    Căn cứ Điều 25 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia như sau:

    Hội đồng Y khoa Quốc gia

    1. Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.

    2. Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ sau đây:

    a) Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    b) Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    c) Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    d) Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    đ) Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

    3. Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

    Như vậy, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

    Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ sau đây:

    +) Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    +) Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    +) Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    +) Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

    +) Thực hiện nhiệm vụ khác.

    (Hình từ Internet)

    Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đúng không?

    Theo Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định việc tổ chức việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

    Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

    1. Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

    2. Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

    a) Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này;

    b) Đã hoàn thành việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

    3. Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện.

    4. Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải chi trả chi phí kiểm tra đánh giá.

    5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo đó, Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

    Phương thức hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia được thực hiện như thế nào?

    Tại Điều 7 Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 495/QĐ-TTg năm 2021 quy định phương thức hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia như sau:

    - Hội đồng hoạt động trên cơ sở kế hoạch hoạt động do chủ tịch Hội đồng phê duyệt.

    - Hội đồng làm việc thông qua cuộc họp hoặc gửi xin ý kiến Thành viên Hội đồng bằng Phiếu ghi ý kiến theo mẫu do Chủ tịch Hội đồng ban hành trong trường hợp không đủ số lượng thành viên dự họp theo quy định hoặc trong trường hợp cần thiết vì lý do bất khả kháng.

    - Hội đồng họp thường kỳ theo kế hoạch của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng phê duyệt và họp đột xuất khi có yêu cầu phát sinh. Các cuộc họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng có mặt và dự họp. Thành viên Hội đồng biểu quyết bằng bỏ phiếu kín để quyết định những vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Phiên họp đột xuất của Hội đồng được triệu tập theo Quyết định của Chủ tịch hội đồng hoặc theo đề nghị của ít nhất 1/3 tổng số thành viên Hội đồng. Các cuộc họp đột xuất phải có ít nhất 50% thành viên của Hội đồng có mặt và tham dự, trong đó phải có đủ thành viên có chuyên môn về vấn đề cần đưa ra thảo luận tại cuộc họp.

    - Các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Hội đồng được tiến hành theo các hình thức: Tổ chức họp trực tiếp; họp trực tuyến qua mạng. Chương trình họp, các tài liệu liên quan đến cuộc họp của Hội đồng phải được thông báo và chuyển cho các thành viên Hội đồng chậm nhất là 05 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp, trừ trường hợp đột xuất.

    Hội đồng thảo luận dân chủ, công khai về những vấn đề trong chương trình cuộc họp và những vấn đề do Chủ tịch hoặc các thành viên nêu ra. Các ý kiến của thành viên Hội đồng phải được ghi vào biên bản cuộc họp.

    - Trong trường hợp cần thiết căn cứ vào nội dung hoạt động, Chủ tịch Hội đồng có thể mời, thuê chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu kiến thức về chuyên môn, nội dung cần thảo luận lấy ý kiến để tư vấn hoặc tham gia các cuộc họp Hội đồng. Chuyên gia tư vấn được tham gia thảo luận các vấn đề nêu ra trong phiên họp nhưng không tham gia biểu quyết.

     

    35
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ