16:04 - 14/11/2024

Giới hạn thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi?

Đã có quy định về giới hạn thời gian chơi game không quá 180 phút của người dưới 18 tuổi mỗi ngày đúng không? Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo các độ tuổi ra sao?

Nội dung chính

    Giới hạn thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi?

    Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 39 Nghị định 147/2024/NĐ-CP về giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng như sau:

    Cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng
    1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng khi có đủ các điều kiện sau đây:
    ...
    e) Có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp;

    Theo đó mỗi tài khoản chơi game dành cho người dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày và tổng thời gian chơi của tất cả các trò chơi không được vượt quá 180 phút.

    Quy định giới thạn thời gian chơi game này được ban hành với mục đích giảm thiểu thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi, giới hạn chơi game không quá 180 phút mỗi ngày, nhằm bảo vệ sức khỏe và duy trì sự cân bằng giữa học tập và giải trí.

    Việc áp dụng giới hạn thời gian chơi game đã thu hút sự quan tâm lớn từ phụ huynh và các nhà giáo dục, vì nó giúp kiểm soát chặt chẽ thời gian chơi game của trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ phát triển các hoạt động bổ ích khác ngoài trò chơi điện tử.

    Hiện nay đã có quy định về giới hạn thời gian chơi game không quá 180 phút của người dưới 18 tuổi mỗi ngày đúng không?

    Giới hạn thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi? (Hình từ Internet)

    Tác hại của việc không giới hạn thời gian chơi game đối với người dưới 18 tuổi 

    Trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng rất nhạy cảm với các tác động của môi trường xung quanh, đặc biệt là khi liên quan đến sức khỏe và tâm lý.

    Việc không giới hạn thời gian chơi game, đặc biệt là các trò chơi bạo lực hoặc có tính gây nghiện cao, có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe và hành vi không mong muốn.

    (1) Sức khỏe thể chất

    Chơi game quá lâu sẽ khiến trẻ em ngồi một chỗ trong thời gian dài, dẫn đến thiếu vận động thể chất. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về béo phì, tiểu đường loại 2 và các vấn đề về tim mạch.

    Đồng thời, việc nhìn chằm chằm vào màn hình quá lâu sẽ gây căng thẳng cho mắt, dẫn đến các vấn đề như mỏi mắt, khô mắt, đau đầu và giảm thị lực.

    Bên cạnh đó, một số trò chơi điện tử yêu cầu người chơi sử dụng chuột và bàn phím trong thời gian dài, điều này có thể gây ra các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là cổ, vai và tay.

    (2) Sức khỏe tâm lý

    Tác động của game đối với tâm lý trẻ em là vấn đề không thể bỏ qua. Các trò chơi bạo lực, bạo hành hoặc có tính chất kích động cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em tiếp xúc với các trò chơi bạo lực dễ có xu hướng trở nên hung hăng hơn, khó kiểm soát cảm xúc và có thể phát triển hành vi bạo lực trong cuộc sống thực.

    Ngoài ra, việc chơi game quá lâu cũng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ, rối loạn giấc ngủ, và trầm cảm. Trẻ em có thể mất đi thói quen sinh hoạt lành mạnh như ăn uống đúng giờ và ngủ đủ giấc, dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    (3) Giảm hiệu quả học tập và phát triển xã hội

    Chơi game kéo dài cũng có thể làm giảm khả năng tập trung của trẻ trong học tập. Trẻ em thường dành quá nhiều thời gian vào các trò chơi điện tử, dẫn đến việc bỏ bê việc học, giảm khả năng tiếp thu kiến thức và kém hiệu quả trong các môn học.

    Bên cạnh đó, khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi, chúng sẽ thiếu đi cơ hội để phát triển các kỹ năng xã hội, giao tiếp và xây dựng mối quan hệ với bạn bè và gia đình.

    Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại theo các độ tuổi như thế nào? 

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về phân loại trò chơi điện tử trên mạng theo độ tuổi người chơi như sau: 

    (1) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 18 tuổi trở lên (ký hiệu là 18+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, chiến đấu thì có sử dụng hình ảnh vũ khí cận cảnh, nhân vật mô phỏng người thật;

    (2) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 16 tuổi trở lên (ký hiệu là 16+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng, thì không có hình ảnh, hoạt động thể hiện tính chất bạo lực;

    (3) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi từ 12 tuổi trở lên (ký hiệu là 12+) là trò chơi không có hoạt động, hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người; đối với trò chơi có hoạt động đối kháng thì chỉ sử dụng các nhân vật hoạt họa mô phỏng hoặc không mô phỏng người thật hoặc chỉ sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chiến đấu mà không có sự hiện diện của nhân vật mô phỏng người thật trong quá trình chơi, có sử dụng vũ khí dưới hình ảnh hoạt họa và hình ảnh vũ khí không nhìn được cận cảnh; tiết chế âm thanh va chạm của vũ khí khi chiến đấu;

    (4) Trò chơi điện tử trên mạng dành cho người chơi mọi lứa tuổi (ký hiệu 00+) là trò chơi mô phỏng dạng hoạt hình; không có hoạt động đối kháng bằng vũ khí; không có hình ảnh, âm thanh ma quái, kinh dị, bạo lực; không có hoạt động, âm thanh, ngôn ngữ, lời thoại, hình ảnh nhân vật mặc hở hang, khiêu dâm, quay cận cảnh gây chú ý đến các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người.

    Lưu ý: Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.

    116
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ