17:13 - 13/11/2024

Để trở thành huấn luyện viên thể thao cao cấp có cần bằng ngoại ngữ không?

Để trở thành huấn luyện viên thể thao cao cấp có cần bằng ngoại ngữ không? Nhiệm vụ của huấn luyện viên thể thao cao cấp là gì?

Nội dung chính

    1. Để trở thành huấn luyện viên thể thao cao cấp có cần bằng ngoại ngữ không? 

    Tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch 13/2014/TT-BVHTTDL-BNV quy định huấn luyện viên cao cấp (hạng I) - Mã số: V.10.01.01 như sau: 

    2. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp:

    a) Có tinh thần trách nhiệm cao, say mê, nhiệt tình với công việc được giao, luôn tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của người viên chức trong hoạt động nghề nghiệp; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực nghiên cứu và chủ động áp dụng các thành tựu khoa học trong công tác huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện vận động viên góp phần nâng cao thành tích thi đấu thể thao;

    b) Luôn là tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức và tác phong sinh hoạt; sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đào tạo, huấn luyện vận động viên; gương mẫu, tôn trọng, có cách ứng xử văn hoá với Ban tổ chức giải thi đấu, trọng tài, huấn luyện viên và vận động viên đội bạn; chỉ đạo vận động viên thi đấu thể thao với tinh thần cao thượng, đặt uy tín, danh dự quốc gia lên hàng đầu;

    c) Khách quan, có chính kiến rõ ràng và năng lực chuyên môn trong công tác tuyển chọn vận động viên; chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo các tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp và tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên đảm bảo tuyển chọn được tài năng thể thao tốt nhất; thận trọng trong mọi quyết định để hạn chế tối đa những sai sót ảnh hưởng đến quá trình huấn luyện và phát triển thể lực, trí lực của vận động viên, tránh được những rủi ro nghề nghiệp;

    d) Làm việc khoa học, độc lập, tự chủ, không vì bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào chi phối làm ảnh hưởng đến tính trung thực, tính độc lập nghề nghiệp; tích cực đấu tranh với những hành vi tiêu cực;

    đ) Chăm lo đến sự phát triển toàn diện của vận động viên; gắn việc đào tạo và huấn luyện chuyên môn với việc giáo dục văn hóa, các phẩm chất chính trị, đạo đức; xây dựng mối quan hệ tốt với vận động viên, hướng dẫn vận động viên tận tình, chu đáo, giúp xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết, thân ái; giáo dục cho vận động viên lối sống, sinh hoạt hướng tới chân - thiện - mỹ; tham gia và vận động mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vận động viên;

    e) Tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ các thông tin quan trọng có ảnh hưởng đến công tác huấn luyện; giữ gìn bí mật quốc gia trong phạm vi chuyên môn của mình.

    3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

    a) Có trình độ cử nhân chuyên ngành thể dục thể thao trở lên;

    b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

    c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

    d) Có chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I).

    4. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

    a) Nhận thức và nắm vững chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

    b) Hiểu biết sâu sắc kiến thức về lý luận và phương pháp giáo dục thể chất; học thuyết huấn luyện thể thao; nắm chắc và thường xuyên cập nhật kỹ thuật, chiến thuật và xu hướng phát triển kỹ thuật, chiến thuật của môn thể thao chuyên sâu ở trong nước và trên thế giới;

    c) Hiểu biết rõ các kiến thức về giáo dục học, tâm lý học, y sinh học thể dục thể thao, dinh dưỡng, sử dụng thuốc bổ trợ và các quy định về phòng, chống doping trong tập luyện và thi đấu thể thao;

    d) Nhận thức và vận dụng đúng các quy định của luật thi đấu của môn thể thao; điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của liên đoàn môn thể thao ở trong nước và quốc tế;

    đ) Biết kiểm tra y học thể dục thể thao và sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

    e) Có khả năng nghiên cứu, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển môn thể thao, kế hoạch huấn luyện môn thể thao ở cấp đội tuyển thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành trở lên; có năng lực chỉ đạo và tổ chức phối hợp với đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thể thao;

    g) Có khả năng đề xuất những giải pháp sáng tạo, có sáng kiến hoặc công trình nghiên cứu khoa học trực tiếp ứng dụng trong công tác huấn luyện được cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên công nhận;

    h) Có thành tích đào tạo được vận động viên đạt huy chương vàng tại SEA Games (hoặc giải vô địch thể thao Đông Nam Á), hoặc huy chương tại ASIAD (hoặc giải vô địch Châu Á), hoặc huy chương tại Đại hội Olympic (hoặc giải vô địch thế giới);

    i) Viên chức thăng hạng lên chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I) phải có thời gian công tác giữ chức danh huấn luyện viên chính (hạng II) hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên nhưng phải có thời gian hưởng lương chức danh huấn luyện viên chính (hạng II) ít nhất đủ 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh huấn luyện viên cao cấp (hạng I).

    Theo đó, theo quy định trên một trong những điều kiện để trở thành huấn luyện viên thể thao cao cấp thì cần phải có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1).

    Bạn không có trình độ ngoại ngữ thì không thể nào có thể trở thành huấn luyện thể thao cao cấp được.  Ngoài trình độ ngoại ngữ ra thì bạn còn cần phải đáp ứng các điều kiện khác nêu trên.

    Để trở thành huấn luyện viên thể thao cao cấp có cần bằng ngoại ngữ không? (Internet)

    2. Nhiệm vụ của huấn luyện viên thể thao cao cấp là gì?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 13/2014/TT-BVHTTDL-BNV quy định như sau: 

    1. Nhiệm vụ:

    a) Xây dựng kế hoạch huấn luyện dài hạn và ngắn hạn, chương trình, giáo án huấn luyện đối với các vận động viên đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành;

    b) Chủ trì hoặc tham gia tuyển chọn, quản lý vận động viên; trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí, đạo đức cho vận động viên; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngành trở lên;

    c) Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh trong tập luyện, thi đấu và kiểm tra y học cho vận động viên;

    d) Phối hợp, quan tâm chăm lo cuộc sống tinh thần, sức khoẻ, khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng theo yêu cầu tập luyện, thi đấu của môn thể thao, điều kiện ở, nghỉ ngơi và học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ cho vận động viên;

    đ) Thống kê, lưu trữ những tài liệu liên quan đến công tác huấn luyện, thi đấu của vận động viên; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác huấn luyện và giáo dục vận động viên; đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện;

    g) Đề xuất các nội dung, phương pháp huấn luyện, sinh hoạt chuyên đề với các đồng nghiệp, tham gia xây dựng đề tài khoa học hoặc có sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, thành tích huấn luyện được áp dụng vào thực tiễn công tác;

    h) Chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho vận động viên; xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau;

    i) Xây dựng dự báo khả năng phát triển thể thao thành tích thể thao, khả năng đạt thành tích thi đấu của vận động viên do mình huấn luyện;

    k) Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho viên chức chuyên môn ở hạng thấp hơn.

    Như vậy, huấn luyện viên thể thao cao cấp có các nhiệm vụ nêu trên. 

    2