Thứ 4, Ngày 30/10/2024
19:00 - 30/10/2024

Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh lừa đảo cho thuê phòng trọ mà sinh viên cần lưu ý?

Một số chiêu trò lừa đảo cho thuê phòng cần chú ý? Cách phòng tránh lừa đảo cho thuê phòng trọ?

Nội dung chính

    Một số chiêu trò lừa đảo cho thuê phòng cần chú ý

    (1) Lừa đảo tiền đặt cọc để giữ phòng

    Với chiêu trò này, các chủ nhà trọ sẽ đăng lên các hội nhóm trêm mạng xã hội hoặc dán những tờ rơi thông báo cho thuê phòng trọ ở những vị trí gần các trường đại học, cao đẳng rất hấp dẫn như "phòng trọ giá rẻ, giờ giấc tự do, bao điện, nước, wifi, gần trạm xe buýt, giữ xe miễn phí, phòng WC riêng, không chung chủ…"

    Khi đến xem phòng, các bạn sinh viên sẽ được dẫn đến những căn phòng khang trang, rộng rãi cùng những ưu đãi rất "hời" so với giá thuê. Chủ nhà trọ sẽ yêu cầu đặt cọc một khoảng tiền từ 500.000đ đến 2.000.000 đồng (1 tháng tiền phòng) để giữ chỗ.

    Vì nhẹ dạ cả tin, chưa có kinh nghiệm tìm phòng trọ và sợ mất phòng giá tốt nên các bạn sinh viên thường đồng ý ngay và được đưa cho một tờ giấy nhận đặt cọc với ghi chú là "nếu không chuyển vào ở xem như mất cọc" cùng những lời thỏa thuận tốt đẹp khác.

    Tuy nhiên, những điều khoản trong giấy nhận tiền cọc có rất nhiều vấn đề. Nếu không cẩn thận xem kỹ thì người thuê đã chính thức dính 'bẫy' của những chủ trọ này.

    (2) Tăng chi phí hàng tháng bất thường: 

    Đây là một chiêu trò tinh vi và người thuê phòng nên đặc biệt đề phòng. Thông thường, chủ trọ sẽ rất nhiệt tình và đưa ra giá phòng cùng những chi phí hàng tháng cực kì ưu đãi cho sinh viên như tiền nước 70.000 đồng/tháng, tiền điện theo giá nhà nước, tiền giữ xe 100.000 đồng.

    Tuy nhiên, khi vừa ở được vài tuần đến một tháng, chủ trọ sẽ kêu ca tiền điện, tiền nước tăng và bắt bạn đóng tiền nước lên đến 100.000 - 150.000 đồng/người và tăng tiền giữ xe, tiền rác liên tục. Nếu người thuê chịu không nổi chi phí quá cao thì phải tự chuyển đi và mất cọc.

    (3) Lừa tiền cọc bằng địa chỉ ma

    Đây cũng là một trong những chiêu trò lừa đảo. Theo đó, khi người thuê trọ liên hệ thì sẽ không được dẫn đến xem phòng mà lấy lý do là có nhiều khu nhà trọ khác nhau nên chỉ cần đặt cọc để giữ chỗ và giữ giấy đến nhận phòng.

    Tuy nhiên, khi đến thì chủ trọ là một người khác hoặc địa chỉ được cho không hề có một khu nhà trọ nào cả. Đây là một trường hợp rất ít gặp vì người thuê ngày càng cảnh giác hơn, nhưng vẫn có những trường hợp các bạn tân sinh viên ở tỉnh không có kinh nghiệm tìm phòng trọ bị lừa gạt.

    (4) Lừa đảo tiền giới thiệu cho thuê phòng trọ

    Chiêu trò lừa đảo tiền giới thiệu cho thuê phòng trọ đã khiến nhiều người thuê trọ phải ám ảnh. Nhiều "cò" bất lương sẽ đăng tin cho thuê phòng trọ lên mạng. Khi người thuê tìm đến, kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ sẽ giở mánh khóe, nói chuyện lòng vòng khiến bạn khó chịu. Những kẻ này sẽ đòi bạn đưa một khoản tiền giới thiệu trước rồi mới giới thiệu phòng, nếu không đưa thì sẽ bị hăm dọa đủ điều.

    Khi được yêu cầu dẫn đến tận nơi để xem phòng thì kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ lại giở thủ đoạn đưa bạn đến một phòng khác với phòng trọ trên tin đăng, giá thật cao nhưng điều kiện thì tồi tàn và xập xệ.

    Lừa đảo cho thuê phòng trọ (hình ảnh internet)

    Cách phòng tránh lừa đảo cho thuê phòng trọ

    (1) Gõ địa chỉ phòng trọ lên Google xem có từng bị "bóc phốt"

    Trên mạng ngày nay có nhiều trang web, hội nhóm cho đăng tên những địa chỉ cho thuê phòng trọ bất lương để cảnh báo cho mọi người cùng biết. Bạn chỉ cần gõ tên địa chỉ mình đang quan tâm lên Google, nếu đây là địa chỉ lừa đảo "có tiếng" thì khả năng cao là bạn sẽ tìm được bài viết "bốc phốt" trên mạng.

    Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng nhận diện địa chỉ lừa đảo cho thuê phòng trọ mà không cần phải xuống tận nơi dò hỏi.

    (2) Xác định chính chủ trước khi đặt cọc thuê phòng trọ

    Bạn phải cẩn thận với những thông tin chào mời cho thuê phòng trọ trôi nổi trên internet hay mạng xã hội. Nên chọn lọc những tin đăng cho thuê nhà có đầy đủ thông tin, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ chính chủ.

    Để tìm được chỗ thuê tốt, bạn nên tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ, nên đi xem phòng với người thân hoặc bạn bè để có đánh giá khách quan hơn hoặc đề phòng gặp kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ.

    (3) Đọc kỹ hợp đồng đặt cọc cho thuê phòng trọ

    Thông thường, tiền đặt cọc cho thuê phòng trọ sẽ là khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đối với những phòng trọ nhỏ và bằng 1-2 tháng tiền thuê đối với những căn hộ vừa và lớn, có nội thất cơ bản.

    Trước khi xuống tiền đặt cọc, bạn cần tìm hiểu thông tin để chắc chắn gặp đúng chủ nhà. Chỉ đặt cọc giữ chỗ khi có thỏa thuận biên nhận rõ ràng, tuyệt đối không đặt cọc nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo cho thuê phòng trọ.

    Khi đặt cọc phải yêu cầu chủ trọ ghi rõ ràng và chi tiết những thỏa thuận về tiền phòng, chi phí hàng tháng để làm bằng chứng. Lưu ý, giấy đặt cọc phải có chữ ký của cả hai bên để tránh việc kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ lật lọng giữa chừng.

    (4) Đọc kỹ hợp đồng cho thuê phòng trọ

    Để tránh lừa đảo cho thuê phòng trọ, bạn phải trao đổi kỹ thông tin với chủ nhà về giá thuê phòng và các chi phí cơ bản, xác nhận xem ngoài những khoản phí này thì còn phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào khác không?

    Lưu ý trong hợp đồng thuê phòng trọ phải ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá (nếu có), tỉ lệ tăng không quá bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đó, hợp đồng phải quy định rõ việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... sẽ do ai chi trả, tránh sau này không ở nữa sẽ bị chủ nhà lấy cớ trừ tiền cọc.

    Khi bị lừa tiền cọc phòng trọ, sinh viên đến cơ quan nào để tố giác?

    Theo Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định như sau:

    Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
    1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
    a) Cơ quan điều tra;
    b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
    c) Viện kiểm sát các cấp;
    d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

    Như vậy, khi bị lừa tiền cọc nhà trọ, sinh viên có thể đến các cơ quan sau để tố giác:

    - Cơ quan điều tra;

    - Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

    - Viện kiểm sát các cấp;

    - Các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

    + Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an

    + Tòa án các cấp

    + Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.