Đặt họ cho con theo họ của cụ ngoại có được không?
Nội dung chính
Đặt họ cho con theo họ của cụ ngoại có được không?
1. Theo qui định tại Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ và điểm e khoản 1 mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”.
Như vậy, pháp luật không bắt buộc khi khai sinh họ của con phải theo họ của cha. Nếu tập quán ở đó là họ của con được đặt theo họ của cha thì đứa trẻ sẽ mang họ của cha. Ngược lại, nếu tập quán nơi đó là họ của con được đặt theo họ của mẹ thì đứa trẻ sẽ mang họ mẹ hoặc theo sự thỏa thuận của cha mẹ thì đứa con sẽ mang họ của cha hoặc họ của mẹ.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, dù theo tập quán hay theo sự thỏa thuận, lựa chọn của cha, mẹ thì khi khai sinh, đứa trẻ cũng chỉ có thể mang họ của cha hoặc của mẹ chứ không thể mang họ khác được (Ví dụ: cha họ Lê, mẹ họ Nguyễn thì con không thể mang họ Trần được).
Do vậy, việc vợ chồng bạn mong muốn đăng ký khai sinh cho cháu được mang họ của cụ ngoại thì sẽ không được cơ quan có chức năng chấp thuận.
2. Về thủ tục đăng ký khai sinh tại Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định như sau:
- Người đi đăng ký khai sinh nộp Giấy chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em. Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
- Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.