09:21 - 11/11/2024

Đại diện Công đoàn phải có mặt khi xử lý kỷ luật người lao động hay không?

Tôi có vi phạm lỗi trong quá trình làm việc và sắp tới tôi sẽ bị xử lý kỷ luật. Và tôi được biết công ty xử lý lỗi của tôi cao hơn so với với hậu quả tôi gây ra. Theo tôi được biết công đoàn là tổ chức tập thể người lao động tại cơ sở. Vậy tổ chức Công đoàn có mặt tham gia khi tiến hành xét xử kỷ luật về hành vi phạm lỗi của tôi để bảo vệ quyền lợi cho tôi hay không?

Nội dung chính

    Đại diện Công đoàn phải có mặt khi xử lý kỷ luật người lao động hay không? 

    Theo quy định tại Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động quy định như sau:

    1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

    a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

    b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

    c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

    d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

    Theo Khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

    3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

    Ngoài ra, Khoản 4 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động như sau:

    4. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động.

    Do đó, khi tiến hành xử lý kỷ luật người lao động thì phải có mặt của địa diện tập thể người lao động tại cơ sở, có thể hiểu là tổ chức công đoàn cơ sở. Đây là điều kiện cần để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động.

    Công đoàn có quyền đại diện khởi kiện cho người lao động không?

    Căn cứ Mục 1 Hướng dẫn 995/HD-TLĐ 2016 quy định về thẩm quyền khởi kiện của Công đoàn như sau:

    - Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện các vụ án lao động khi được người lao động ủy quyền; có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động; có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về bảo hiểm xã hội, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động khác hoặc ủy quyền khởi kiện cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

    - Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động tại doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở và được người lao động, tập thể lao động ủy quyền; có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về bảo hiểm xã hội, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động khác hoặc ủy quyền khởi kiện cho Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

    - Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về quyền công đoàn, về kinh phí công đoàn, về bảo hiểm xã hội, về an toàn vệ sinh lao động và các tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể khác, khi được người lao động, tập thể người lao động ủy quyền.

    Như vậy, đối với tranh chấp cá nhân người lao động và người sử dụng lao động phải được tiến hành hòa giải bởi hòa giải viên trước. Trường hợp hòa giải mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định thì có thể nhờ Công đoàn khởi kiện.

    Trân trọng!

    7