Cục Thuế hướng dẫn về tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước về quản lý thuế
Nội dung chính
Cục Thuế hướng dẫn về tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước về quản lý thuế
Theo đó, khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền đã quy định tại các văn bản được chuyển đổi theo tên gọi của cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Căn cứ từ quy định trên, Cục Thuế hướng dẫn như sau:
- Tên gọi của cơ quan thuế các cấp tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế được chuyển đổi tương ứng như sau: Tổng cục Thuế chuyển đổi thành Cục Thuế; Cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển đổi thành Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn, Chi cục Thuế thương mại điện tử; Cục Thuế Doanh nghiệp lớn chuyển đổi thành Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn; Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực chuyển đổi thành Đội Thuế cấp huyện.
- Chức danh có thẩm quyền được chuyển đổi tương ứng như sau: Tổng cục trưởng chuyển đổi thành Cục trưởng; Cục trưởng chuyển đổi thành Chi cục trưởng, Chi cục trưởng chuyển đổi thành Đội trưởng.
* Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước dẫn đến thay đổi tên gọi nhưng không thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì được giữ nguyên thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ từ quy định này, Cục Thuế hướng dẫn như sau:
Cục trưởng Cục Thuế thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế theo quy định của pháp luật; Chi cục trưởng Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn theo quy định của pháp luật;
Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Thuế trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật; Đội trưởng Đội thuế cấp huyện thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục trưởng Chi cục Thuế hoặc Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo quy định của pháp luật.
Xem thêm >>> Toàn bộ danh sách 20 Chi cục Thuế khu vực từ 1/3/2025?
Cục Thuế hướng dẫn về tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước về quản lý thuế (Hình tư Internet)
Lịch nộp các loại tờ khai thuế tháng 4 năm 2025 chi tiết cụ thể nhất
Dưới đây là lịch nộp các loại tờ khai thuế tháng 4 năm 2025 chi tiết cụ thể nhất:
STT | Nội dung | Loại báo cáo | Thời hạn thực hiện | Căn cứ pháp lý |
1 | Tờ khai thuế GTGT tháng 3/2025 | Báo cáo hằng tháng | 21/4/2025 (*) | Khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 |
2 | Tờ khai thuế TNCN tháng 3/2025 | Báo cáo hằng tháng | Khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 |
|
(*) Do ngày 20/4/2025 là Chủ Nhật
(Theo khoản 5 Điều 148 Bộ luật Dân sự 2015, khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó)
Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế
Căn cứ khoản 5 Điều 5 và Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt chậm nộp tờ khai thuế như sau:
(1) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
(2) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại (1).
(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
(4) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
- Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
(5) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại (4).
Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định trên trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
- Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.