17:57 - 12/11/2024

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là gì?

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là gì? Quản lý công trình đường thủy nội địa bao gồm các công tác nào? Các nội dung trong kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm?

Nội dung chính

    1. Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là gì?

    Tại Điều 3 Thông tư 21/2022/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 01/11/2022) có quy định về khái niệm công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa như sau:

    1. Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là công trình đường thủy nội địa), bao gồm: luồng đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, âu tàu, công trình đưa phương tiện qua đập thác; kè, đập giao thông; báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ: mốc cao độ, mốc tọa độ, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, nhà trạm; công trình, vật dụng kiến trúc, thiết bị phục vụ trực tiếp công tác quản lý, bảo trì và khai thác giao thông đường thủy nội địa (bao gồm cả hệ thống công nghệ).

    2. Bảo trì công trình đường thủy nội địa là tập hợp các công việc nhằm đảm bảo và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác và sử dụng. Nội dung bảo trì công trình đường thủy nội địa có thể bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình; bổ sung thay thế hạng mục, thiết bị để việc khai thác sử dụng công trình đường thủy nội địa đảm bảo an toàn nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình đường thủy nội địa.

    2. Quản lý công trình đường thủy nội địa bao gồm các công tác nào?

    Theo Điều 8 Thông tư 21/2022/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 01/11/2022) quản lý công trình đường thủy nội địa bao gồm các công tác sau:

    1. Kiểm tra định kỳ, đột xuất công trình đường thủy nội địa nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu xuống cấp, những hư hỏng và vi phạm về bảo vệ công trình, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

    2. Quan trắc, theo dõi tình hình mực nước, chế độ thủy văn; theo dõi hành trình, lưu lượng phương tiện vận tải thủy và tổng hợp số liệu dưới dạng báo cáo; vẽ biểu đồ.

    3. Theo dõi số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa, phối hợp xác định nguyên nhân, thiệt hại ban đầu của vụ tai nạn; phối hợp với cơ quan chức năng để tìm kiếm, cứu nạn.

    4. Lập hồ sơ các vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, các vật chướng ngại, theo dõi và xử lý.

    5. Tổ chức đảm bảo giao thông; thông tin liên lạc; phòng chống thiên tai và xử lý các sự cố bất thường liên quan đến công trình đường thủy nội địa.

    6. Tổ chức, phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

    7. Cập nhật các dữ liệu có liên quan về công trình đường thủy nội địa.

    3. Các nội dung trong kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm?

    Tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư 21/2022/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 01/11/2022) quy định các nội dung trong kế hoạch bảo trì công trình đường thủy nội địa hàng năm, bao gồm:

    a) Bảo dưỡng thường xuyên công trình đường thủy nội địa bao gồm: kiểm tra công trình đường thủy nội địa; bảo trì báo hiệu; bảo trì đèn báo hiệu, thiết bị, hệ thống thông tin, các công trình phục vụ trên tuyến đường thủy nội địa đang khai thác; đo dò bãi cạn; công tác đặc thù trong quản lý, bảo trì đường thủy nội địa;

    b) Sửa chữa định kỳ công trình đường thủy nội địa bao gồm: nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa theo cấp kỹ thuật đã công bố; sửa chữa âu tàu, kè, nhà trạm, thủy chí; thanh thải vật chướng ngại trong luồng và hành lang bảo vệ luồng; sửa chữa, bổ sung, thay thế báo hiệu, đèn hiệu, tín hiệu; sửa chữa, thay thế, bổ sung hạng mục, công trình phụ trợ, thiết bị, phụ kiện phục vụ trực tiếp công tác quản lý, bảo trì và khai thác giao thông đường thủy nội địa;

    c) Sửa chữa đột xuất công trình đường thủy nội địa bao gồm: sửa chữa sự cố hư hỏng do thiên tai hoặc sự cố bất thường khác gây ra;

    d) Công tác khác, bao gồm: khảo sát định kỳ luồng đường thủy nội địa; điều tiết khống chế bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; lập, điều chỉnh quy trình và định mức quản lý, khai thác, bảo trì đối với công trình được đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã đưa vào khai thác, sử dụng; kiểm định; quan trắc; đánh giá an toàn; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; ứng dụng công nghệ phục vụ trực tiếp công tác quản lý, bảo trì và khai thác giao thông đường thủy nội địa.

    Trân trọng!

    7