Công chứng hợp đồng, giao dịch bao gồm những loại nào? Công chứng bản dịch được định nghĩa ra sao?
Nội dung chính
Công chứng hợp đồng, giao dịch bao gồm những loại nào?
Chỉ tiêu thống kê số việc công chứng được quy định tại Tiểu mục 0802 Mục 08 Phụ lục II Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theoThông tư 10/2017/TT-BTP như sau:
Khái niệm, phương pháp tính
Khái niệm
- Công chứng hợp đồng, giao dịch bao gồm:
+ Các hợp đồng chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (chuyển nhượng, mua bán, tặng cho...); hợp đồng bảo đảm (thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, đặt cọc, ký cược, ký quỹ...);
+ Các giao dịch liên quan đến thừa kế (di chúc, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản...);
+ Các hợp đồng, giao dịch khác.
- Công chứng bản dịch bao gồm bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (Điều 61 Luật Công chứng năm 2014).
- Các loại việc khác là các loại việc ngoài 02 nhóm việc công chứng hợp đồng, giao dịch và công chứng bản dịch nêu trên, bao gồm các việc như: nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng…
Phương pháp tính
Việc công chứng bản dịch được tính theo từng văn bản được công chứng chứ không thống kê theo lượt người đến yêu cầu công chứng hay số lượng bản dịch người yêu cầu công chứng lấy về.
Ví dụ: ông A đến tổ chức hành nghề công chứng H yêu cầu công chứng bản dịch 02 loại văn bản là:
01 bản dịch Bằng cử nhân luật mang tên ông Nguyễn Văn A (đề nghị lấy về 02 bản);
01 bản dịch Bằng thạc sĩ luật mang tên bà Nguyễn Thị B (đề nghị lấy về 03 bản).
Khi thống kê, 01 bản dịch Bằng tốt nghiệp đại học mang tên ông Nguyễn Văn A được ghi 01 số công chứng và được tính là 01 việc công chứng bản dịch; 01 bản dịch Bằng thạc sĩ luật mang tên bà Nguyễn Thị B được ghi một số công chứng và được tính là 01 việc công chứng bản dịch.
Phân tổ chủ yếu
- Loại việc (hợp đồng, giao dịch, bản dịch và các loại việc khác);
- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Kỳ công bố: Năm.
Nguồn số liệu: Báo cáo thống kê ngành Tư pháp.
Đơn vị (thuộc Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
Chủ trì: Cục Kế hoạch - Tài chính;
Phối hợp: Cục Bổ trợ tư pháp.