Công bố chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo tại Học viện Tư pháp năm 2024?
Nội dung chính
Công bố chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo tại Học viện Tư pháp năm 2024?
Ngày 05/12/2023, Học viện Tư pháp đã ban hành Quyết định 2329/QĐ-HVTP 2023 tại đây về kế hoạch tuyển sinh, đào tạo năm 2024.
Theo đó, Học viện Tư pháp lấy 3.600 chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo trong đó:
- Nghề luật sư: 2.000 chỉ tiêu
- Nghề công chứng: 1.000 chỉ tiêu
- Nghề đấu giá: 100 chỉ tiêu
- Nghiệp vụ thi hành án: 150 chỉ tiêu
- Nghề thừa phát lại: 100 chỉ tiêu
- Thí điểm đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại: 50 chỉ tiêu
- Đào tạo chung (TP, KSV, LS): 200 chỉ tiêu
Xem chi tiết kế hoạch tuyển sinh, đào tạo năm 2024 của Học viện Tư pháp tại đây.
Công bố chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo tại Học viện Tư pháp năm 2024? (Hình từ Internet)
Học viện Tư pháp được thành lập vào năm nào?
Căn cứ theo Quyết định 23/2004/QĐ-TTg, Học viện Tư pháp được thành lập vào năm 2004.
Theo đó, việc thành lập Học viện Tư pháp dựa trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Ngoài ra:
- Học viện Tư pháp là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động theo Điều lệ trường đại học.
- Học viện Tư pháp là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy, có tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội và cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, theo Điều 3 Quyết định 23/2004/QĐ-TTg, Học viện tư pháp có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác.
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư và cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp.
- Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp.
- Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong việc đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Tùy theo yêu cầu và đòi hỏi của thực tế, Học viện Tư pháp có thể được cơ quan có thẩm quyền giao thêm nhiệm vụ mới.
Các ngành đào tạo của Học viện Tư pháp là những ngành đào tạo nào?
Tại Điều 2 Quyết định 2229/QĐ-BTP năm 2015 về nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Tư pháp như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn
.....
4. Tổ chức các hoạt động đào tạo bao gồm:
a) Đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ thi hành án dân sự, nghề luật sư, nghề công chứng, nghề đấu giá và các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp (thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, trợ giúp viên pháp lý, đăng ký viên giao dịch bảo đảm, thừa phát lại, thư ký thừa phát lại, công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp, trọng tài viên, quản tài viên và các chức danh khác theo quy định của pháp luật), đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư ( khi được giao nhiệm vụ);
b) Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới cho các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và công chức, viên chức Ngành Tư pháp;
c) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
5. Tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo và quản lý học viên; phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt mục tiêu đào tạo toàn diện cho học viên.
...
Như vậy, các ngành đào tạo của Học viện Tư pháp là:
- Đào tạo nghiệp vụ xét xử, nghiệp vụ kiểm sát, nghiệp vụ thi hành án dân sự, nghề luật sư, nghề công chứng, nghề đấu giá.
- Đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như:
+ Thẩm tra viên thi hành án dân sự.
+ Thư ký thi hành án dân sự.
+ Trợ giúp viên pháp lý.
+ Đăng ký viên giao dịch bảo đảm.
+ Thừa phát lại.
+ Thư ký thừa phát lại.
+ Công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp.
+ Trọng tài viên, quản tài viên và các chức danh khác theo quy định của pháp luật.
- Đào tạo chung nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư.
Trân trọng!