Có bắt buộc phải thực hiện kiểm định xe tại cơ sở đăng kiểm không?
Nội dung chính
Có bắt buộc phải thực hiện kiểm định xe tại cơ sở đăng kiểm không?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT quy định về địa điểm thực hiện kiểm định xe như sau: Việc kiểm định, miễn kiểm định lần đầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được thực hiện ở bất kỳ cơ sở đăng kiểm nào trên phạm vi cả nước.
Địa điểm kiểm định được thực hiện tại cơ sở đăng kiểm hoặc ngoài cơ sở đăng kiểm; trường hợp thực hiện kiểm định xe ngoài cơ sở đăng kiểm thì phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT.
Như vậy, không bắt buộc phải thực hiện kiểm định xe tại cơ sở đăng kiểm mà có thể ngoài cơ sở đăng kiểm.
Lưu ý: Thông tư 47/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Có bắt buộc phải thực hiện kiểm định xe tại cơ sở đăng kiểm không? (Hình từ Internet)
Quy định về kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm từ năm 2025?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT quy định về kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm như sau:
(1) Các trường hợp được kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm
- Xe máy chuyên dùng;
- Xe cơ giới hoạt động tại đảo không có cơ sở đăng kiểm;
- Xe cơ giới đang hoạt động tại khu vực bảo đảm về an toàn, an ninh, quốc phòng;
- Xe cơ giới chỉ hoạt động trong khu vực cảng, mỏ, công trường;
- Xe cơ giới đang thực hiện nhiệm vụ cấp bách phòng chống thiên tai, dịch bệnh;
- Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong phạm vi được phép hoạt động không có cơ sở đăng kiểm;
- Xe cơ giới quá khổ, quá tải vượt quá khả năng đáp ứng về mặt bằng, thiết bị của dây chuyền kiểm định tại cơ sở đăng kiểm.
(2) Yêu cầu khi kiểm định
Khi kiểm định, cơ sở đăng kiểm phải có đủ dụng cụ, thiết bị kiểm tra theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy (sau đây gọi là Quy chuẩn về cơ sở đăng kiểm).
(3) Quy định về địa điểm thực hiện kiểm định
Quy định về địa điểm thực hiện kiểm định phải có:
- Đường kiểm tra hiệu quả phanh, trượt ngang đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ trong kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Quy chuẩn về kiểm định xe cơ giới) khi kiểm định xe cơ giới;
- Có đường kiểm tra phanh đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng (sau đây gọi là Quy chuẩn về xe máy chuyên dùng) khi kiểm định xe máy chuyên dùng.
Việc kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm được thực hiện theo yêu cầu của chủ xe đối với các trường hợp hoặc kế hoạch kiểm định định kỳ của cơ sở đăng kiểm đối với các trường hợp xe cơ giới hoạt động ngoài đảo.
Hồ sơ đề nghị kiểm định xe lần đầu bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT quy định hồ sơ đề nghị kiểm định xe lần đầu bao gồm:
(1) Giấy tờ phải nộp
- Văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm theo mẫu số 02 của Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT (đối với trường hợp chủ xe có đề nghị);
- Bản chà số khung, số động cơ của xe;
- Bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước);
- Bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).
(2) Giấy tờ phải xuất trình
- Giấy tờ về đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ sau: bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe;
- Giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính) đối với: thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar) theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Chủ xe nộp trực tiếp tại cơ sở đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống trực tuyến 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm định gồm các giấy tờ phải nộp và xuất trình.
Tải về văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm theo mẫu số 02 quy định tại Phụ lục VII: TẠI ĐÂY
Tổng hợp hồ sơ đề nghị kiểm định xe từ năm 2025 (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị kiểm định xe định kỳ bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 47/2024/TT-BGTVT quy định hồ sơ đề nghị kiểm định xe định kỳ bao gồm:
(1) Giấy tờ phải nộp
- Văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm theo mẫu số 02 của Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 47/2024/TT-BGTVT (đối với trường hợp chủ xe có đề nghị);
- Bản chà số khung, số động cơ của xe (đối với xe có thay đổi số khung, số động cơ).
(2) Giấy tờ phải xuất trình
- Giấy tờ về đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ sau: bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe;
- Giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính) đối với: thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar) theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP.
Chủ xe nộp trực tiếp tại cơ sở đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống trực tuyến 01 bộ hồ sơ đề nghị kiểm định định kỳ gồm các giấy tờ phải nộp và xuất trình.