15:27 - 12/11/2024

Chủ hộ gây khó dễ, không cho tách khẩu thì phải làm thế nào?

Em ở Tuyên Quang, lấy chồng về Ninh Bình và đã nhập vào khẩu nhà chồng.
Giờ vợ chồng em đã ly hôn, em muốn tách khẩu để không liên quan gì đến nhà chồng nữa nhưng bố chồng em (là chủ hộ) lại không cho em mượn sổ hộ khẩu, không cho em tách khẩu thì em phải làm thế nào?

Nội dung chính

    Chủ hộ gây khó dễ, không cho tách khẩu thì phải làm thế nào?

    Điều 27 Luật Cư trú 2006 quy định về việc tách sổ hộ khẩu như sau:

    “1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

    a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

    b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

    2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
    …”

    Khoản 8 Điều 10 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định như sau:

    - Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, khi bạn có nhu cầu và đủ điều kiện để tách hộ khẩu thì chủ hộ phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho bạn được sử dụng sổ hộ khẩu để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật.

    Do đó, bạn có quyền yêu cầu bố chồng chủ động giao sổ hộ khẩu để bạn làm thủ tục tách khẩu theo đúng quy định của pháp luật.

    Nếu bố bạn vẫn tiếp tục cố tình gây khó dễ thì bạn có quyền nhờ đến công an xã/phường can thiệp. Việc chủ hộ cố tình gây khó dễ, không tạo điều kiện để thực hiện thủ tục tách khẩu có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

    7