Chỉ số huyết áp ở mức bao nhiêu thì phải đi nghĩa vụ quân sự?
Em vừa nhận được lệnh gọi khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Hiện tại em có vấn đề huyết áp, huyết áp của em không ổn định. Ban biên tập cho em hỏi, chỉ số huyết áp ở mức bao nhiêu thì phải đi nghĩa vụ quân sự? Nếu em không đến khám sức khỏe theo lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự có bị phạt tiền không?
Nội dung chính
1. Chỉ số huyết áp ở mức bao nhiêu thì phải đi nghĩa vụ quân sự?
Tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tiêu chuẩn sức khỏe tuyển quân nghĩa vụ quân sự như sau:
3. Tiêu chuẩn sức khỏe:
a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.
Bên cạnh đó, tại Bảng số 2 Phụ lục I Phân loại sức khỏe theo thể lực và bệnh tật ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định như sau:
96
Huyết áp (tình trạng HA khi nghỉ, thường xuyên, tính bằng mmHg):
- Huyết áp tối đa:
+ 110 - 120
1
+ 121 - 130 hoặc 100 - 109
2
+ 131 - 139 hoặc 90 - 99
3
+ 140 - 149 hoặc < 90
4
+ 150 - 159
5
+ ≥ 160
6
- Huyết áp tối thiểu:
+ ≤ 80
1
+ 81 - 85
2
+ 86 - 89
3
+ 90 - 99
4
+ ≥ 100
5
Theo như quy định nêu trên thì chỉ tuyển quân khi sức khỏe của công dân đạt loại 1, 2, 3. Do đó, trường hợp bạn có chỉ số huyết áp tối đa là 131 - 139 trở lên hoặc 90 - 99 trở xuống và chỉ số huyết áp tối thiểu là 86 - 89 trở lên thì bạn đủ điều kiện về sức khỏe, khi đó bạn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của pháp luật.
2. Không đến khám sức khỏe theo lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự có bị phạt tiền không?
Tại Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
2. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cố ý không nhận lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;
b) Đưa tiền, tài sản, hoặc lợi ích vật chất khác trị giá đến dưới 2.000.000 đồng cho cán bộ, nhân viên y tế hoặc người khác để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người được kiểm tra hoặc người được khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Như vậy, nếu bạn không đến khám sức khỏe theo lệnh gọi khám tuyển nghĩa vụ quân sự thì bạn có thể bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.
3. Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự được hưởng chế độ, chính sách nào?
Tại Khoản 1 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về chế độ, chính sách đổi với công dân tham gia nghĩa vụ quân sự như sau:
1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:
a) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật;
b) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; các trường hợp nghỉ vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định;
c) Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hàng tháng;
d) Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác;
đ) Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác;
e) Được ưu đãi về bưu phí;
g) Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật;
h) Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thi được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật;
i) Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế;
k) Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật;
l) Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.
Trên đây là các chế độ, chính sách mà công dân được hưởng theo quy định của pháp luật khi tham gia nghĩa vụ quân sự.
Trân trọng!