Cách tính mức hưởng lương hưu với sĩ quan công an
Nội dung chính
Cách tính mức hưởng lương hưu với sĩ quan công an
Bố tôi sinh 2/1958 vào ngành Công an từ 10/1978 đến tháng 3/2017 nhận sổ hưu. Bố tôi có 38 năm 4 tháng công tác liên tục, trong đó có 4 năm làm tham mưu tổng hợp ở Công an cấp huyện, 22 năm là trinh sát hình sự, trinh sát an ninh. Tôi xin hỏi: Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu bố tôi được tính trợ cấp với hệ số như thế nào?
Khoản 1 Điều 8 Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định Đối tượng và Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng như sau:
1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này khi nghỉ việc, được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên;
b) Nam từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến đủ 50 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh Mục nghề, công việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên;
c) Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền giao, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, không phụ thuộc vào tuổi đời.
Theo quy định của Luật Công an nhân dân 2014 quy định tuổi nghỉ hưu cấp úy là 53 (trước đây là 50); thiếu tá, trung tá: nam 55, nữ 53; thượng tá: nam 58, nữ 55; đại tá: nam 60, nữ 55; cấp tướng: nam 60, nữ 55.
Điều 9 Nghị định 33/2016/NĐ-CP quy định Mức lương hưu hằng tháng như sau:
"Mức lương hưu hằng tháng đối với người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Nghị định này theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, được quy định như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng của quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu (sau đây gọi chung là người lao động) được tính bằng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
2. Tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ Điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Khoản 2 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:
a) Người lao động bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng trong Khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
b) Lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
c) Lao động nam bắt đầu hưởng lương hưu hằng tháng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn sinh 2/1958 vào ngành công an từ 10/1978, đến tháng 3/2017 nhận sổ hưu, lúc này bố bạn 59 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội được 38 năm 04 tháng.
15 năm = 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam thì mức hưởng như sau: 23 năm = 23 x 2% = 46%.
Tổng lại là 91%. Tuy nhiên, theo quy định mức tối đa bằng 75%. Do đó, mức lương hưu hàng tháng bố bạn nhận được là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bố bạn đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995, sẽ tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu hoặc phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cách tính mức hưởng lương hưu với sĩ quan công an. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 33/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.