20:27 - 19/11/2024

Các biện pháp thực hiện công tác dân số

Mẹ tôi có làm bên công tác dân số, thấy công việc cũng khá hay và ý nghĩa, nên tôi muốn tìm hiểu để biết thêm có các biện pháp nào thực hiện công tác dân số? Vấn đề này được quy định tại đâu?

Nội dung chính

    Các biện pháp thực hiện công tác dân số

    Tại Chương 4 Pháp lệnh dân số năm 2003, có quy định các biện pháp thực hiện công tác dân số như sau:

    Điều 26. Quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số

    1. Nhà nước đưa quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nhằm bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số và phân bố dân cư phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên và môi trường.

    2. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp đưa quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.

    3. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đưa chỉ tiêu kế hoạch thực hiện công tác dân số vào kế hoạch hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ quan, tổ chức mình; định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện.

    Điều 27. Xã hội hoá công tác dân số

    Nhà nước thực hiện xã hội hoá công tác dân số bằng việc huy động mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác dân số. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác dân số được hưởng quyền, lợi ích từ công tác dân số.

    Điều 28. Huy động nguồn lực cho công tác dân số

    1. Nhà nước có chính sách và cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho công tác dân số.

    2. Quỹ dân số được thành lập ở trung ương và do cơ quan quản lý nhà nước về dân số quản lý.

    3. Quỹ dân số được hình thành từ các nguồn: hỗ trợ của ngân sách nhà nước; đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

    4. Việc huy động và sử dụng quỹ dân số phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Điều 29. Thực hiện giáo dục dân số

    1. Giáo dục dân số được thực hiện trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

    2. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chỉ đạo, xây dựng chương trình, nội dung giáo trình về dân số phù hợp với từng cấp học, bậc học.

    3. Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm tổ chức giảng dạy và học tập theo chương trình, giáo trình quy định.

    Điều 30. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số

    1. Nhà nước có chính sách và biện pháp mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số với các nước, tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi nước và thông lệ quốc tế.

    2. Phạm vi hợp tác quốc tế bao gồm:

    a) Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực dân số;

    b) Tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực dân số;

    c) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ hiện đại trong lĩnh vực dân số;

    d) Đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số.

    3. Nhà nước khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động dân số.

    4. Các tổ chức quốc tế, các hiệp hội về lĩnh vực dân số của nước ngoài được hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    Điều 31. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số

    1. Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển và tạo điều kiện nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở các cấp, chú trọng đối với cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở.

    2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ làm công tác dân số, ổn định đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ở cơ sở phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

    Điều 32. Nghiên cứu khoa học về dân số

    1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, chú trọng các đề tài nâng cao chất lượng dân số, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

    2. Nhà nước có chính sách để bảo hộ, phổ biến, ứng dụng kết quả đã nghiên cứu về dân số vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác dân số.

    3. Các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về dân số có trách nhiệm áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đề tài nghiên cứu về dân số để ứng dụng trong thực tế đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

    5