Cá nhân sản xuất rượu thủ công không có mục đích kinh doanh có phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã không?
Nội dung chính
Cá nhân sản xuất rượu thủ công không có mục đích kinh doanh có phải kê khai với Ủy ban nhân dân xã không?
Tại Điều 17 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, cụ thể như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Việc kê khai không phải nộp phí, lệ phí.
2. Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; báo cáo sản lượng và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn.
Theo đó, cá nhân bạn sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải gửi Ủy ban nhân dân cấp xã bản kê khai về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường.
Sản xuất rượu có độ cồn từ 5,5 độ mà không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 25 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử lý hành vi vi phạm về đăng ký bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ và sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mà không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định.
Theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, như sau:
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân khi có hành vi sản xuất rượu có độ cồn từ 5,5 độ mà không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.