15:08 - 28/09/2024

Bỏ rơi con, cha mẹ phạm tội gì?

Tối 7/4, bà Trần Thị Ngọc Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - xác nhận thông tin trên. Theo đó, bé gái sơ sinh được vợ chồng anh Nguyễn Út Trong (ngụ ấp Tân Thành B, xã Vĩnh Hiệp) phát hiện ngoài đầm tôm gần nhà vào trưa 5/4, nên đưa đến Trạm y tế xã cấp cứu kịp thời. Theo bà Hiền, khi bé gái được đưa đến trạm y tế cấp cứu chưa lâu thì một người dân trong ấp cũng phát hiện một bé trai sơ sinh ở gần khu vực đầm tôm của anh Trong và đưa đến trạm y tế cấp cứu. Theo nhận định, có thể sản phụ nào đó đã sinh đôi, rồi bỏ rơi con mình. Chính quyền địa phương cho biết: Sau 2 ngày được chăm sóc, hiện sức khỏe của các cháu đã ổn định. Vài ngày tới nếu không có người nào đến nhận lại con, xã sẽ làm thủ tục cho anh Trong nhận con nuôi. Vậy, trong trường hợp này mẹ của những đứa trẻ trên phải chịu trách nhiệm gì về hành vi của mình? Nếu phải chịu trách nhiệm hình sự thì có bị tù giam không?

Nội dung chính

    Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Luật Nuôi con nuôi: Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã, phường, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nhận nuôi dưỡng trẻ em, nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã, phường, nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

    Cũng theo nội dung vụ án, cháu bé rất có thể chưa được khai sinh, vì vậy, căn cứ pháp lý từ các văn bản như khai sinh, chứng sinh cùng chứng nhận của các cơ quan quản lý nhân, hộ khẩu đều không có. Vì vậy, chỉ có cách xác định ADN tìm mối quan hệ ruột thịt của cháu bé, từ đó mới xác định được nhân thân của cháu. Để xác định ruột thịt của cháu bé, chỉ có cha mẹ cháu đến nhận với những căn cứ pháp lý chắc chắn hoặc bằng xác định ADN.

    Tuy nhiên, rõ ràng cha mẹ cháu bé đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời: “Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc…”. Điều 4, 6 và 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung... đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”. Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ “thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con...”.

    Luật cũng quy định cha mẹ không được “ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con”. Việc bỏ rơi con nhỏ đã vi phạm tất cả những điều luật trên. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013  cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

    Với tất cả những hành vi đó, rất có thể cha mẹ cháu bé cũng bị tước quyền nuôi con có thời hạn. Theo quy định của Điều 41 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân gia đình thì người có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gồm: cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên, Viện Kiểm sát, Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ, các cá nhân, tổ chức khác…

    Nhưng cũng theo đúng các quy định pháp luật, nếu xác định được cha mẹ đẻ cháu bé, ưu tiên đầu tiên là trả cháu bé về cho cha mẹ cháu nuôi dưỡng, chăm sóc. Theo Điều 13 Luật Chăm sóc, Bảo vệ và Giáo dục trẻ em thì trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013  cũng quy định cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

    Trong trường hợp cha mẹ cháu bé không có khả năng nuôi con, có thể thỏa thuận với những người mong muốn nhận cháu bé làm con nuôi theo đúng quy định của Luật Nuôi con nuôi. Nếu đã cố gắng truy tìm mà không tìm được cha mẹ đẻ, người ruột thịt của cháu bé, theo quy định tại Điều 15 Luật Nuôi con nuôi, cơ quan nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm khai sinh cho cháu bé và xem xét việc cho người khác nhận cháu làm con nuôi theo đúng quy định pháp luật.

    Nếu chẳng may trẻ thiệt mạng khi bị bỏ rơi, người mẹ rất có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Do chưa xác định được cụ thể nên có phân ra thành những trường hợp sau:

    - Hành vi đem vứt đứa trẻ được thực hiện khi đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày tuổi

    Điều 94 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định về tội Giết con mới đẻ như sau: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

    Điểm b Điều 1 Chương II, Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn “Con mới đẻ là đứa trẻ mới sinh ra trong bảy ngày trở lại”.

    Nếu đứa trẻ sinh ra chưa được 7 ngày mà người mẹ đem vứt bỏ dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết thì hành vi này có thể cấu thành tội “giết con mới đẻ” quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tùy thuộc vào mức độ phạm tội, Hành vi này có thể phải chịu phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm

    - Nếu đứa trẻ bị vứt bỏ đã trên 7 ngày tuổi

    Trong trường hợp đứa trẻ đã trên 7 ngày tuổi thì hành vi đem con vứt bỏ dẫn đến hậu quả con bị chết có thể phạm tội Giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự) hoặc phạm tội Vô ý làm chết người (Điều 98 Bộ luật hình sự) tùy thuộc vào việc chứng minh nhận thức chủ quan của người phạm tội hay nói cách khác là phụ thuộc vào việc xác định lỗi của người phạm tội sau khi thực hiện hành vi bỏ đứa trẻ.

    Phạm tội Giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự)

    Lỗi của người phạm tội là cố ý. Có thể là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp.

    Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng vì mong muốn hậu quả đó xảy ra nên đã thực hiện hành vi phạm tội.

    Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình nên đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (có ý thức chấp nhận hậu quả đó).

    Phạm tội Vô ý làm chết người (Điều 98 Bộ luật hình sự)

    Người phạm tội có những hành vi tương tự hành vi của tội giết người; hậu quả xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng tương tự như đối với giết người.

     Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.

    Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự thì vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:

    + Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

    + Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó.

    Bộ luật hình sự không quy định rõ các hình thức vô ý phạm tội nhưng cần căn cứ vào nội dung quy định trên, chúng ta thấy rõ có hai hình thức vô ý phạm tội mà khoa học luật hình sự gọi là vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.

    + Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề, v.v..

    + Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

    - Những trường hợp cụ thể của tội vô ý làm chết người

    Vô ý làm chết một người (khoản 1 Điều 98)

    Vô ý làm chết một người là trường hợp phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả đó chỉ có một người chết.

    Người phạm tội vô ý làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 98 có khung hình phạt từ sáu tháng đến năm năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn.

    Vô ý làm chết nhiều người (khoản 2 Điều 98)

    Vô ý làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả có từ hai người chết trở lên.

    Người phạm tội vô ý làm chết nhiều người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 98 có khung hình phạt từ ba đến mười năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 phạt người phạm tội dưới ba năm tù, nhưng không được dưới sáu tháng tù.

    Như vậy, trong điều kiện thời tiết xấu, lạnh, việc bỏ đứa trẻ non nớt ngoài trời như vậy người mẹ chắc chắn phải biết trước hành động đó có thể gây đến cái chết cho đứa trẻ, tuy nhiên người mẹ biết nhưng để mặc (lỗi cố ý) hoặc biết nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra vì nghĩ rằng đứa trẻ chắc chắn sẽ được một ai đó tìm thấy sớm (lỗi vô ý).

    Có thể ví dụ như sau: Nếu sau khi bỏ đứa ở đầm tôm, người mẹ bỏ đi, mặc kệ đứa trẻ. Lúc này hành động này thể hiện sự bỏ mặc, là biểu hiện của lỗi cố ý. Còn sau khi bỏ đứa trẻ, người mẹ đứng ở khu vực gần quan sát đến khi có người nhìn thấy đứa bé hoặc làm điều gì đó để cho người đi đường nhanh chóng tìm thấy thì lúc này, có thể nhận định đây là dấu hiệu hy vọng, tin hậu quả đứa trẻ chết sẽ không xảy ra.

    62