Biểu diễn thời trang có phải là biểu diễn nghệ thuật không?
Nội dung chính
1. Biểu diễn thời trang có phải là biểu diễn nghệ thuật không?
Tại Điều 2 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định giải thích từ ngữ như sau:
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hoạt động tạo ra những sản phẩm nghệ thuật được định hình dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh để truyền đạt trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện kỹ thuật tới công chúng dưới các hình thức biểu diễn nghệ thuật; lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật.
2. Biểu diễn nghệ thuật là hoạt động thể hiện các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu hoặc kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với trình diễn thời trang, các hoạt động văn hoá, thể thao.
3. Loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam và thế giới.
4. Lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật là đưa sản phẩm âm thanh, hình ảnh có nội dung biểu diễn nghệ thuật được định dạng trên băng, đĩa, phần mềm và vật liệu khác để kinh doanh, khai thác, sử dụng trong xã hội.
Như vậy, biểu diễn thời trang chưa được xem là biểu diễn nghệ thuật. Nếu như biểu diễn thời trang kết hợp với các loại hình nghệ thuật biểu diễn ví dụ như: trình diễn trên sân khấu, trình diễn tại đường phố có kết hợp với âm nhạc thì lúc này biểu diễn thời trang mới được xem là biểu diễn nghệ thuật.
2. Biểu diễn nghệ thuật gồm những hình thức tổ chức nào?
Theo Điều 8 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật như sau:
1. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; biểu diễn nghệ thuật phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, nhà hàng không bán vé xem biểu diễn nghệ thuật, thực hiện thông báo theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật khác không thuộc hình thức quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, thực hiện quy định tại Điều 10 Nghị định này.
4. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm.
Trên đây là những hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
3. Muốn tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì phải thông báo đến những cơ quan nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật như sau:
1. Cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này thông báo tới cơ quan nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này trước khi tổ chức. Người đứng đầu chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt.
2. Cơ sở kinh doanh thực hiện hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này thông báo tới cơ quan nhà nước quy định tại điểm b khoản 3 Điều này trước khi tổ chức.
3. Cơ quan tiếp nhận thông báo:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn tiếp nhận thông báo của cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, ban, ngành trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn tiếp nhận thông báo của các tổ chức, cá nhân khác.
4. Trình tự tiếp nhận thông báo:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi thông báo bằng văn bản (theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan tiếp nhận thông báo ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Do đó, phải xác định được biểu diễn nghệ thuật được tổ chức dưới hình thức nào thì mới xác định được cơ quan để gửi thông báo đến.
Ví dụ: Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại khu vui chơi không có bán vé thì sẽ gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức.
Trân trọng!