Bao bì vận chuyển đã có nhãn hàng hóa có được xem là bao bì thương phẩm không?
Nội dung chính
Bao bì vận chuyển đã có nhãn hàng hóa có được xem là bao bì thương phẩm không?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định về quy trình phân biệt bao bì chứa đựng hàng hóa không phải bao bì thương phẩm với bao bì thương phẩm (khoản 5 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) như sau:
1. Các loại bao bì sau đây không gọi là bao bì thương phẩm:
a) Bao bì được sử dụng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản hàng hóa đã có nhãn hàng hóa;
b) Túi đựng hàng hóa khi mua hàng;
c) Bao bì dùng để đựng hàng hóa dạng rời, hàng hóa bán lẻ.
2. Các loại bao bì sau đây phải có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan để thay thế cho nhãn hàng hóa: thùng đựng hàng (container), hầm tàu chứa hàng, xi téc vận chuyển hàng hóa dạng rời, dạng lỏng, dạng khí không có bao bì.
Ví dụ: hàng hóa là thủy sản: thùng đựng hàng (container), (bao gồm cả trường hợp hàng hóa bên trong là nguyên liệu thủy sản có một hoặc nhiều loài dạng rời, hoặc đóng khối (block) trần đồng nhất hoặc không đồng nhất), hầm tàu chứa hàng hóa dạng rời chỉ có một loài hoặc lẫn lộn nhiều loài, xi téc vận chuyển hàng hóa dạng rời, dạng lỏng không có bao bì;
Trường hợp này hàng hóa không cần dán nhãn/ghi nhãn hàng hóa nhưng phải có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan;
Trường hợp hồ sơ tài liệu kèm theo bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì doanh nghiệp nhập khẩu có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo.
Như vậy, đối với bao bì được sử dụng mục đích để vận chuyển hàng hóa đã có nhãn hàng hóa thì không được gọi là bao bì thương phẩm theo quy định trên.
Có phải ghi nhãn hàng hóa trên cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài không?
Theo Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định vị trí nhãn hàng hóa (Điều 4 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) như sau:
1. Nhưng nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Những nội dung bắt buộc đó là một phần của nhãn hàng hóa.
Ví dụ 1: số khung của xe máy được dập trên khung xe hay số Vm của ô tô được khắc trực tiếp trên thân xe tuy không được thể hiện cùng vị trí với các nội dung bắt buộc khác nhưng ở vị trí có thể nhận biết được dễ dàng, không phải tháo rời các chi tiết, nội dung này là một phần của nhãn hàng hóa.
Ví dụ 2: ngày sản xuất, hạn sử dụng hoặc định lượng của hàng hóa được in sẵn trên đáy hoặc thân chai, không cùng vị trí với các nội dung khác trên bản in nhãn gắn trên chai nhưng vẫn dễ dàng nhận biết được, nội dung này là một phần của nhãn hàng hóa.
2. Hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài
a) Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài, không bán riêng lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn trên bao bì ngoài.
b) Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài và đồng thời tách ra bán lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.
Ví dụ: Hộp cà phê gồm nhiều gói cà phê nhỏ bên trong:
- Trường hợp bán cả hộp cà phê không bán lẻ các gói cà phê nhỏ thì ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp;
- Trường hợp bán cả hộp cà phê và đồng thời tách ra bán lẻ những gói cà phê nhỏ bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp cà phê và các gói cà phê nhỏ bên trong;
- Trường hợp thùng carton đựng các hộp cà phê đã có nhãn đầy đủ bên trong, có thể mở ra để xem các hộp cà phê trong thùng carton thì không phải ghi nhãn trên thùng carton đó.
3. Trường hợp bao bì ngoài trong suốt có thể quan sát được nội dung ghi nhãn sản phẩm bên trong thì không bắt buộc ghi nhãn cho bao bì ngoài.
Theo đó:
Trường hợp hàng hóa có bao bì ngoài và không bán riêng lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì nhãn hàng hóa chỉ cần ghi ở bao bì ngoài.
Đối với hàng hóa có cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp mà hàng hóa có thể tách ra bán riêng lẽ các đơn vị hàng hóa bên trong thì phải ghi nhãn ở cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp bên trong.
Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa có phải dịch tất cả ra Tiếng việt không?
Tại Điều 5 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN quy định ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa (khoản 2, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) như sau:
1. Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa không phải dịch tất cả nội dung bằng tiếng Việt ra ngôn ngữ khác. Nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì nội dung ngôn ngữ khác phải bảo đảm cho người đọc hiểu tương ứng với nội dung tiếng Việt.
2. Những nội dung không phải nội dung bắt buộc mà thể hiện bằng ngôn ngữ khác không được làm hiểu sai lệch bản chất, công dụng của hàng hóa và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn hàng hóa.
3. Tên quốc tế của nước hoặc vùng lãnh thổ không thể phiên âm được ra tiếng Việt hoặc phiên âm được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì được phép sử dụng tên quốc tế đó.
Ví dụ: tên nước: Indonesia, Singapore phiên âm ra tiếng Việt không có nghĩa, được phép sử dụng nguyên tên Indonesia, Singapore, hoặc dùng tên phiên âm In-đô-nê-xi-a, Xinh-ga-po. Trong khi Russia hay Germany thì phải dịch thành Nga, Đức.
Như vậy, ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa không phải dịch tất cả nội dung bằng tiếng Việt ra ngôn ngữ khác theo quy định trên.