Thông tư 05/2019/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ ban hành

Số hiệu 05/2019/TT-BKHCN
Ngày ban hành 26/06/2019
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học Công nghệ
Người ký Trần Văn Tùng
Lĩnh vực Thương mại

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2019/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2019

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2017/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 4 NĂM 2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHÃN HÀNG HÓA

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 95 2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 43/2017 NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017 NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (sau đây viết là Nghị định số 43/2017/NĐ-CP), cụ thể như sau:

1. Khoản 5 Điều 3; Điều 4; khoản 2, khoản 4 Điều 7; khoản 1, 3, 6 Điều 12; khoản 3 Điều 14; khoản 1 Điều 16; khoản 5 Điều 17;

2. Khoản 5, 15 Phụ lục I; điểm 2 khoản 1, điểm 3 khoản 2 Phụ lục II; khoản 1 Phụ lục III; điểm 1 khoản 1 Phụ lục IV;

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương II

NỘI DUNG VÀ CÁCH GHI NHÃN HÀNG HÓA

Điều 3. Phân biệt bao bì chứa đựng hàng hóa không phải bao bì thương phẩm với bao bì thương phẩm (khoản 5 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)

1. Các loại bao bì sau đây không gọi là bao bì thương phẩm:

a) Bao bì được sử dụng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản hàng hóa đã có nhãn hàng hóa;

b) Túi đựng hàng hóa khi mua hàng;

c) Bao bì dùng để đựng hàng hóa dạng rời, hàng hóa bán lẻ.

2. Các loại bao bì sau đây phải có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan để thay thế cho nhãn hàng hóa: thùng đựng hàng (container), hầm tàu chứa hàng, xi téc vận chuyển hàng hóa dạng rời, dạng lỏng, dạng khí không có bao bì.

Ví dụ: hàng hóa là thủy sản: thùng đựng hàng (container), (bao gồm cả trường hợp hàng hóa bên trong là nguyên liệu thủy sản có một hoặc nhiều loài dạng rời, hoặc đóng khối (block) trần đồng nhất hoặc không đồng nhất), hầm tàu chứa hàng hóa dạng rời chỉ có một loài hoặc lẫn lộn nhiều loài, xi téc vận chuyển hàng hóa dạng rời, dạng lỏng không có bao bì;

Trường hợp này hàng hóa không cần dán nhãn/ghi nhãn hàng hóa nhưng phải có hồ sơ, tài liệu kèm theo thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan;

Trường hợp hồ sơ tài liệu kèm theo bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì doanh nghiệp nhập khẩu có bản dịch ra tiếng Việt kèm theo.

Điều 4. Vị trí nhãn hàng hóa (Điều 4 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)

1. Nhưng nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Những nội dung bắt buộc đó là một phần của nhãn hàng hóa.

[...]