Cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 phải đáp ứng những điều kiện nào?

Cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 phải đáp ứng những điều kiện nào? Có cần phải thành lập doanh nghiệp không?

Nội dung chính

    Cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 phải đáp ứng những điều kiện nào? 

    Căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định về điều kiện của nhà ở, công trình xây dựng có sẵn đưa vào kinh doanh thì cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 phải đáp ứng những điều kiện sau đây

    - Có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận khác về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong đó có ghi nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trừ nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng trong dự án bất động sản quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 ;

    - Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng, tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý và giải quyết; trường hợp có tranh chấp thì đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật;

    - Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

    - Không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch;

    - Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật;

    - Đã được công khai thông tin theo quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

    Cho thuê mặt bằng Quận 1

    Cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 phải đáp ứng những điều kiện nào? (Hình từ Internet)

    Cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 có phải thành lập doanh nghiệp không?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về điều kiện của cá nhân khi kinh doanh bất động sản như sau:

    Điều 9. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản
    […]
    3. Cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
    [...]

    Theo đó nếu cá nhân kinh doanh cho thuê mặt bằng Quận 1 có quy mô nhỏ thì không phải thành lập doanh nghiệp.

    Đồng thời tại Điều 7 Nghị định 96/2024/NĐ-CP quy định: 

    Điều 7. Kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ; không nhằm mục đích kinh doanh và dưới mức quy mô nhỏ
    […]
    2. Tổ chức, cá nhân bán nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng dưới mức quy mô nhỏ, bao gồm:
    a) Cá nhân không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở;
    b) Tổ chức không thuộc trường hợp có giá trị quá 300 tỷ đồng trên một hợp đồng và có số lần giao dịch quá 10 lần trong một năm. Trường hợp giao dịch 01 lần trong một năm thì không tính giá trị.
    [...]

    Theo đó, khi cá nhân cho thuê mặt bằng Quận 1 không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư thì không cần phải thành lập doanh nghiệp mà chỉ cần kê khai thuế theo quy định pháp luật.

    Trách nhiệm sửa chữa mặt bằng hư hỏng, xuống cấp thuộc về ai? 

    Căn cứ Điều 477 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê:

    Điều 477. Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê
    1. Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.
    2. Trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:
    a) Sửa chữa tài sản;
    b) Giảm giá thuê;
    c) Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.
    3. Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.

    Tóm lại trừ những hư hỏng nhỏ bên thuê phải tự sửa chữa, thì thông thường bên cho thuê sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa mặt bằng hư hỏng, xuống cấp để đảm bảo mục đích sử dụng cho bên thuê. 

    Trường hợp mặt bằng bị giảm sút giá trị sử dụng mà không phải do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:

    - Sửa chữa mặt bằng;

    - Giảm giá thuê mặt bằng;

    - Đổi mặt bằng khác hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu mặt bằng thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc mặt bằng thuê không thể sửa chữa được mà gây ảnh hưởng đến mục đích thuê không đạt được.

    Nếu bên cho thuê không thực hiện việc sửa chữa thì bên thuê mặt bằng có quyền tự sửa chữa rồi yêu cầu hoàn trả với yêu cầu là chi phí phải hợp lý và đúng mục đích.

    Chuyên viên pháp lý Trương Thùy Dương
    saved-content
    unsaved-content
    16