09:23 - 04/06/2025

Quy mô dự án nút giao Phú Thứ thế nào?

Quy mô dự án nút giao Phú Thứ thế nào? Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nút giao Phú Thứ bao gồm những loại đất nào?

Nội dung chính

    Quy mô dự án nút giao Phú Thứ thế nào?

    Dự án nút giao Phú Thứ - công trình hạ tầng trọng điểm tại tỉnh Hà Nam đang bước vào giai đoạn thi công nước rút, dự kiến thông hầm trong tháng 6/2025. Công trình có tổng vốn đầu tư lên tới 1.400 tỷ đồng.

    Nút giao Phú Thứ được thiết kế gồm 3 tầng đường hiện đại. Trong đó, tầng 1 là hầm chui, đảm bảo tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thông suốt qua nút.

    Tầng 2 là vòng xuyến trung tâm kết nối các tuyến đường địa phương với cao tốc, đồng thời tích hợp bốn nhánh ra vào phục vụ giao thông lên xuống cao tốc.

    Tầng 3 là cầu vượt, dành cho tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô bắc ngang qua cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và toàn bộ nút giao.

    Nút giao Phú Thứ không chỉ giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại của tỉnh Hà Nam, mà còn đóng vai trò là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư và kết nối kinh tế - xã hội giữa Hà Nam với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực Thủ đô Hà Nội.

    Dự kiến, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025. Khi đi vào vận hành, nút giao Phú Thứ sẽ trở thành điểm kết nối chiến lược trong hệ thống hạ tầng khu vực phía Bắc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững và đồng bộ hóa hạ tầng liên kết vùng.

    Quy mô dự án nút giao Phú Thứ thế nào?

    Quy mô dự án nút giao Phú Thứ thế nào? (Hình từ internet)

    Giao thông trên đường cao tốc được quy định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 25 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về giao thông trên đường cao tốc được nêu rõ cụ thể như sau:

    [1] Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ sau đây:

    - Trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, quan sát xe phía sau bảo đảm khoảng cách an toàn mới cho xe nhập vào làn đường sát bên phải, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi nhập vào làn đường của đường cao tốc;

    - Khi chuẩn bị ra khỏi đường cao tốc phải quan sát biển báo hiệu chỉ dẫn, thực hiện chuyển dần sang làn đường sát bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe di chuyển trên làn đường đó trước khi ra khỏi đường cao tốc;

    - Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;

    - Các quy tắc giao thông đường bộ khác quy định tại Chương 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

    [2] Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải dừng xe, đỗ xe thì được dừng xe, đỗ xe ở làn dừng khẩn cấp cùng chiều xe chạy và phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp;

    Trường hợp xe không thể di chuyển được vào làn dừng khẩn cấp, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp và đặt biển hoặc đèn cảnh báo về phía sau xe khoảng cách tối thiểu 150 mét, nhanh chóng báo cho cơ quan Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến hoặc cơ quan quản lý đường cao tốc.

    [3] Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định đối với đường cao tốc, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ không được đi trên đường cao tốc, trừ người, phương tiện giao thông đường bộ và thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

    Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nút giao Phú Thứ bao gồm những loại đất nào?

    Căn cứ tại Điều 44 Luật Đường bộ 2024 quy định:

    Điều 44. Quy định chung đối với đường bộ cao tốc
    1. Đường bộ cao tốc (sau đây gọi là đường cao tốc) là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, có dải phân cách phân chia hai chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác, chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.
    2. Đường cao tốc thuộc hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị được xác định trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
    3. Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc bao gồm:
    a) Đất quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 của Luật này;
    b) Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

    Như vậy, dẫn chiếu đến điểm a và điểm b khoản 1 Điều 13 Luật Đường bộ 2024 quy định đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nút giao Phú Thứ bao gồm:

    - Đất của đường bộ gồm phần đất để xây dựng công trình đường bộ và phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ.

    - Đất để xây dựng bến xe; bãi đỗ xe; điểm dừng xe, đỗ xe; trạm dừng nghỉ; các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ.

    - Đất để xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến đường cao tốc.

    Lê Ngọc Tú
    Từ khóa
    Nút giao Phú Thứ Quy mô dự án nút giao Phú Thứ Giao thông trên đường cao tốc Đường cao tốc Đất để xây dựng kết cấu hạ tầng
    48