Lộ trình tiến độ xây dựng cao tốc Tân Phú Bảo Lộc
Mua bán nhà đất tại Đồng Nai
Nội dung chính
Lộ trình tiến độ xây dựng cao tốc Tân Phú Bảo Lộc
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa ký Quyết định 1189/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP.
Dự án cao tốc Tân Phú Bảo Lộc dài gần 66 km, nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng, được triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP), đang thu hút sự quan tâm lớn trong giai đoạn phát triển hạ tầng hiện nay. Với quy mô thiết kế 4 làn xe, tốc độ khai thác 80 km/h, tuyến đường này hứa hẹn mở rộng năng lực giao thông và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Tuyến cao tốc Tân Phú Bảo Lộc bắt đầu tại điểm giao với Quốc lộ 20 (xã Phú Trung, Tân Phú, Đồng Nai) và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng). Tổng chiều dài gần 65,88 km, trong đó khoảng 12 km nằm trên địa bàn Đồng Nai, phần còn lại thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Trong giai đoạn đầu, tuyến đường được xây dựng với bề rộng nền 17m, gồm 4 làn xe và các làn dừng khẩn cấp không liên tục. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng nền đường lên 22m, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc.
Dự án được đầu tư hệ thống thu phí không dừng hiện đại, hai trạm chính đặt tại Km60+170 và Km124+210, cùng các trạm nhánh tại các nút giao quan trọng. Bên cạnh đó, hệ thống điều hành giao thông, ITS và trung tâm điều phối sẽ được tích hợp đồng bộ để kiểm soát hiệu quả toàn tuyến. Một trạm dừng nghỉ cũng được xây dựng tại huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, với quy mô 3 ha mỗi bên đường.
Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 6.500 tỷ đồng. Số còn lại do liên danh nhà đầu tư tư nhân (Đèo Cả, Hưng Thịnh, Nam Miền Trung) đảm nhiệm. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến là gần 24 năm, với mức phí ban đầu 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn và lộ trình điều chỉnh phù hợp.
Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ diễn ra trong năm 2025, theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là một phần quan trọng trong quy hoạch tuyến đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Khi hoàn thành vào quý IV năm 2027, tuyến đường sẽ góp phần cải thiện năng lực vận tải, giảm áp lực cho Quốc lộ 20 – vốn đang quá tải và thường xuyên xảy ra tai nạn, đặc biệt tại khu vực đèo Bảo Lộc.
Ngoài tác dụng nâng cao khả năng kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM, dự án còn mang đến cơ hội phát triển thương mại, logistics và du lịch cho các địa phương nằm dọc hành lang kinh tế Quốc lộ 20.
Lộ trình tiến độ xây dựng cao tốc Tân Phú Bảo Lộc (Hình từ Internet)
Quy trình triển khai dự án PPP thế nào?
Theo Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 và được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định quy trình triển khai dự án PPP như sau:
Triển khai dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.
Theo đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy trình dự án PPP theo phương thức đối tác công tư được quy định như sau:
Bước 1. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
Bước 2. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
Bước 3. Lựa chọn nhà đầu tư;
Bước 4. Thành lập doanh nghiệp dự án PPP và ký kết hợp đồng dự án PPP;
Bước 5. Triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Triển khai dự án PPP ứng dụng công nghệ cao
- Đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, quy trình dự án PPP được quy định như sau:
Bước 1. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án;
Bước 2. Lựa chọn nhà đầu tư;
Bước 3. Nhà đầu tư được lựa chọn lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
Bước 4. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
Bước 5. Thực hiện các bước quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.
Triển khai dự án PPP theo phương án kiến trúc
- Trường hợp dự án PPP có công trình phải thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định của pháp luật về kiến trúc thực hiện như sau:
Bước 1. Báo cáo nghiên cứu về tính khả thi của dự án
+ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải thuyết minh nội dung về căn cứ pháp lý, sự cần thiết, hình thức thi tuyển và nội dung liên quan khác của việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư dự án;
Bước 2. Xác định chi phí thi tuyển phương án kiến trúc
+ Chi phí thi tuyển phương án kiến trúc được xác định theo quy định hiện hành đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
+ Trường hợp dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chi phí thi tuyển phương án kiến trúc.
Bước 3. Tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc
+ Sau khi quyết định chủ trương đầu tư dự án, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo quy định của pháp luật về kiến trúc.
- Đối với dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được xem xét chuyển đổi thành dự án PPP thì thực hiện theo quy trình triển khai dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hoặc triển khai dự án PPP ứng dụng công nghệ cao
Như vậy, quy trình triển khai dự án PPP có các bước chính tương tự nhau nhưng có điểm khác biệt tùy theo từng loại hình dự án cụ thể.
Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP
Theo khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và phân loại dự án PPP như sau:
- Dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ dự án thuộc trường hợp sau đây:
+ Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
- Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
+ Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.